Tuyên án cặp vợ chồng đã ly hôn hợp sức lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
Thông qua hình thức bán đất nền trong các 'dự án ma', cặp vợ chồng đã ly hôn đã cùng với các đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của 64 bị hại.
Ngày 14/11, TAND Tp.HCM đã kết thúc phiên tòa sơ thẩm và tuyên án đối với các bị cáo liên quan trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Địa Bảo (Công ty Địa Bảo) và Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bảo Long (Công ty Bảo Long).
Theo đó, HĐXX tuyên phạt Trần Thế Bảo (SN 1979, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Địa Bảo) mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án 7 năm tù và bảo bị tuyên phạt trước đó, bị cáo Bảo phải chấp hành mức án chung là tù chung thân.
Cùng bị tuyên phạm tội danh nêu trên, các bị cáo Trần Thị Hồng Gấm (SN 1982, vợ đã ly hôn của Bảo, nguyên Tổng giám đốc Công ty Bảo Long) bị tuyên phạt 20 năm tù; Phan Nhân Ái (SN 1985, nguyên Tổng giám đốc Công ty Địa Bảo) bị tuyên phạt 20 năm tù.
Các bị cáo Lê Văn Thiệp (SN 1980, Giám đốc Công ty CP đầu tư kinh doanh bất động sản Đại Thành Công) bị tuyên phạt 14 năm tù; Nguyễn Hữu Trí (SN 1982, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Nhất Trí) bị phạt 14 năm tù; Võ Anh Tuấn (SN 1982, môi giới bất động sản) bị tuyên phạt 12 năm tù.
Ngoài mức án tù, tòa còn tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường gần 129 tỷ đồng cho các bị hại, trong đó bị cáo Trần Thế Bảo phải bồi thường 127 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền quản lý tài sản của người khác, nên cần có mức án nghiêm khắc. Từ đó, HĐXX tuyên mức án như trên.
Theo bản án vừa tuyên, Công ty Địa Bảo được thành lập do cổ đông góp vốn gồm Trần Thế Bảo và Phan Nhân Ái, trụ sở đóng tại quận Gò Vấp, Tp.HCM, ngành nghề kinh doanh bất động sản. Công ty Bảo Long do Trần Thị Hồng Gấm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh bất động sản.
Ngày 8/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM nhận được đơn tố giác Trần Thế Bảo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, cơ quan chức năng cũng nhận được đơn tố giác của 55 cá nhân ký hợp đồng góp vốn với Công ty Bảo Long, tố cáo Trần Thế Bảo, Trần Thị Hồng Gấm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc chào bán nền đất không có thật.
Vào cuộc xác minh, Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM xác định, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 10/2020, Trần Thế Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa Bảo, sau khi đặt cọc chuyển nhượng hoặc thanh toán một phần tiền cho chủ đất tại các thửa đất thuộc huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), phường Cát Lái (quận 2, Tp.HCM) và xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Tp.HCM), đã chỉ đạo cấp dưới lập bản vẽ phân lô, xây dựng đường đi trái phép tại các khu đất này.
Dù biết rõ công ty chưa có quyền sử dụng đất, chưa chuyển mục đích sử dụng thành đất ở theo quy định, và chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như chưa thực hiện thủ tục tách thửa, Trần Thế Bảo vẫn chỉ đạo cùng các đồng phạm tổ chức các sự kiện quảng bá rầm rộ, chạy quảng cáo và rao bán các nền đất trong các dự án "ma" tại các thửa đất trên.
Khi khách hàng có nhu cầu mua đất, Trần Thế Bảo và các đồng phạm gặp gỡ, hứa hẹn nhiều lợi ích để thuyết phục khách hàng. Khi khách hàng tin tưởng, Bảo chỉ đạo Phan Nhân Ái sử dụng pháp nhân của Công ty Địa Bảo ký hợp đồng mua bán đất nền thổ cư không có thật với khách hàng.
Bảo còn chỉ đạo Ái, Gấm sử dụng tư cách pháp Công ty Bảo Long ký hợp đồng góp vốn với khách hàng tại nền đất không có thật, từ đó chiếm đoạt hơn 128,8 tỷ đồng của 64 cá nhân.
Bị cáo Trần Thị Hồng Gấm và Trần Thế Bảo vốn là vợ chồng nhưng đã ly hôn. Gấm là Tổng giám đốc Công ty Bảo Long. Mặc dù biết rõ Trần Thế Bảo rao bán đất nền trái phép, nhưng Gấm vẫn sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Bảo Long ký hợp đồng góp vốn với khách hàng về nền đất ở không có thật, thu 126 tỷ đồng của 61 khách hàng rồi chiếm đoạt.
Bị cáo Phan Nhân Ái với trò là Giám đốc Công ty Địa Bảo, biết rõ Công ty chưa nhận được quyền sử dụng đất, chưa chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, nhưng vẫn ký hợp đồng mua bán đất nền thổ cư không có thật, qua đó giúp sức cho Trần Thế Bảo chiếm đoạt 120 tỷ đồng của 58 cá nhân.
Ngoài ra, Ái còn sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Địa Bảo ký hợp đồng góp vốn với khách hàng mua bán nền đất không có thật tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) và tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Tp.HCM), qua đó chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ đồng của 3 khách hàng.
Bên cạnh đó, Ái, Gấm, Bảo còn thỏa thuận với Lê Văn Thiệp, Nguyễn Hữu Trí, Võ Anh Tuấn về việc phân phối nền đất tại dự án không có thật nêu trên. Qua đó, được Công ty Bảo Long chi trả tiền môi giới, trả thưởng 1,8 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, Lê Văn Thiệp, Nguyễn Hữu Trí, Võ Anh Tuấn có vai trò giúp sức, thực hiện việc môi giới để Công ty Bảo Long ký kết với các khách hàng thông qua các pháp nhân của 3 công ty, qua đó hưởng lợi hàng tỷ đồng tiền môi giới.