Tuyên án vụ Gang thép Thái Nguyên: Bị cáo lĩnh án cao nhất là 9 năm 6 tháng tù
Tòa án xác định một số cá nhân thuộc Bộ Công Thương, doanh nghiệp VINAINCON có sai phạm trong việc Gang thép Thái Nguyên thất thoát 830 tỷ đồng nên kiến nghị khởi tố.
Đội vốn nghìn tỷ
Chiều 20/4, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm với 19 bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Theo án sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định dự án trên do TISCO làm chủ đầu tư; Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát đầu tư.
Tuy nhiên, 19 bị cáo là lãnh đạo, cán bộ tại TISCO và VNS đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ngược lại còn mắc nhiều sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao dẫn đến không hoàn thành công việc đồng thời gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Cũng theo Hội đồng xét xử, trong dự án này, dây chuyền luyện kim ở phường Lưu Xá (TP Thái Nguyên) là gói thầu quan trọng nhất và để xây dựng dây chuyền, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp) trị giá hơn 160 triệu USD. Hợp đồng này có nội dung giá trị không thay đổi; MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao trong vòng 30 tháng.
Tuy nhiên, MCC đã vi phạm hợp đồng nên sau gần một năm ký kết, doanh nghiệp này chưa chọn nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị... Án sơ thẩm xác định khi MCC rút người về nước và nhiều lần đề nghị tăng giá hợp đồng, các bị cáo đáng lẽ phải chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng và báo cáo việc hủy đấu thầu, áp dụng điều khoản phạt MCC đã được ghi rõ trong hợp đồng.
Trên thực tế, nhóm lãnh đạo tại TISCO và VNS lại chấp thuận yêu cầu tăng giá của tập đoàn Trung Quốc. Ngoài ra, nhóm này còn điều chỉnh đơn giá phần C (xây lắp) và giới thiệu Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ.
Phần C cũng bị chuyển từ hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá dù như vậy, TISCO phải chịu chi phí vượt quá mức ban đầu. Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay. Việc này khiến dự án phát sinh lãi vay, gây thiệt hại 830 tỷ đồng. Đồng thời, vốn đầu tư dự án từ hơn 3.000 tỷ đồng đã bị đội lên hơn 8.000 tỷ đồng.
Mở rộng điều tra
Quá trình tuyên án, các thẩm phán cũng dẫn diễn biến tại tòa với nội dung, TISCO cho rằng không phải nguyên đơn dân sự, đề nghị tòa giảm án cho các bị cáo tại TISCO.
Các luật sư bào chữa cho rằng trong dự án này, Chính phủ có chịu trách nhiệm; các bị cáo luôn xin ý kiến cấp trên và thậm chí chuẩn bị khởi kiện MCC. Với việc giới thiệu VINAINCON, các bị cáo đã tin tưởng vào giới thiệu của Bộ Công Thương.
Một số luật sư cũng đề nghị làm rõ tính đồng phạm của các bị cáo; ghi nhận các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như sức khỏe yếu, tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả… Tại TISCO, Nhà nước có 65% vốn nên một số người đề nghị tòa buộc các bị cáo chịu trách nhiệm dân sự với 65% thiệt hại vụ án.
Các luật sư còn nêu quan điểm, dự án của TISCO chậm tiến độ đến nay có trách nhiệm của Bộ Công Thương, VINAINCON và một số cá nhân thuộc các cơ quan khác nên các cơ quan tố tụng cần xử lý toàn diện, triệt để.
Các luật sư cũng cho rằng, 830 tỷ đồng gồm cả tiền lãi số vốn TISCO đầu tư vào mỏ sắt Tiến Bộ và mỏ này đã hoạt động tốt. Tuy nhiên, HĐXX thấy mỏ Tiến Bộ cũng chậm tiến độ 18 tháng; sắt từ mỏ chuyển đi chỉ là giải pháp tình thế, không sinh lãi cho dự án nên phải tính thiệt hại tổng thể của dự án.
Do đó, tài liệu TISCO trình tại tòa thể hiện mỏ Tiến Bộ có 41 tỷ đồng lãi chưa phải là căn cứ khấu trừ thiệt hại vụ án. Đồng thời, việc chọn VINAINCO làm nhà thầu phụ đã vi phạm luật đấu thầu và các quy định của pháp luật khác về xây dựng công trình, dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Cũng theo tòa án, thời điểm xảy ra tội phạm, TISCO là doanh nghiệp Nhà nước nên các bị cáo phải chịu hoàn toàn thiệt hại 830 tỷ đồng; không có căn cứ trả hồ sơ hoặc tách phần dân sự ra xử lý riêng. HĐXX đánh giá thêm, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước; xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức... Số 830 tỷ đồng chỉ là tiền lãi TISCO phải trả ngân hàng, thiệt hại còn ở chỗ trang thiết bị đã lắp đặt bị hư hỏng, chưa chắc sử dụng được…
Ngược lại, HĐXX khẳng định khi lượng hình đã xem xét bối cảnh khủng hoảng kinh tế trong thời điểm TISCO ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, các bị cáo không vụ lợi… để giảm nhẹ hình phạt. Về dân sự, tòa cho rằng các bị cáo xâm phạm khách thể là tài sản Nhà nước nên không cần TISCO phải yêu cầu bồi thường nên các bị cáo phải liên đới trả 830 tỷ đồng cho TISCO.
Qua xử lý vụ án, HĐXX thấy hậu quả có trách nhiệm của một số cá nhân thuộc Bộ Công Thương khi có chủ trương, quyết định dẫn tới sai phạm và VINAINCO khi không thực hiện đúng phần xây lắp nên kiến nghị khởi tố các cá nhân có sai phạm.
Qua những nhận định trên, HĐXX phạt 14 bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mức án từ 2 đến 9 năm 6 tháng tù; 5 bị cáo phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” từ 18 tháng đến 2 năm tù.