Tuyên bố Bắc Kinh: Hy vọng về một sự thống nhất và hòa bình lâu dài cho người Palestine

Các nhóm chính trị Palestine, bao gồm cả Hamas và Fatah, đã ký Tuyên bố Bắc Kinh về 'chấm dứt chia rẽ và tăng cường sự thống nhất' tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào thứ Ba (23/7). Đây được xem là một bước tiến có thể mang lại sự thống nhất và hòa bình lâu dài cho người dân Palestine.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông báo này được đưa ra sau các cuộc đàm phán hòa giải do Trung Quốc tổ chức với sự tham gia của 14 phe phái Palestine, diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 7.

 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Fatah - Mahmoud al-Aloul, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Mussa Abu Marzuk, một thành viên cấp cao của Hamas, gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AFP

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Fatah - Mahmoud al-Aloul, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Mussa Abu Marzuk, một thành viên cấp cao của Hamas, gặp nhau tại Bắc Kinh vào ngày 23 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AFP

PLO là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết thỏa thuận này “dành riêng cho sự hòa giải và thống nhất to lớn của tất cả 14 phe phái”.

“Kết quả cốt lõi là PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine) là đại diện hợp pháp duy nhất của toàn thể người dân Palestine”, ông Vương Nghị cho biết, đồng thời nói thêm rằng “đã đạt được thỏa thuận về việc quản lý hậu chiến tranh Gaza và thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc lâm thời”.

PLO là liên minh đã ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1993 và đóng vai trò nòng cốt trong Chính quyền Palestine (PA). Trong khi đó, Fatah - tổ chức lãnh đạo cả PLO và Chính quyền Palestine - được thành lập tại Bờ Tây do Israel chiếm đóng sau khi thỏa thuận năm 1993 được gọi là Hiệp định Oslo được ký kết. Hamas không phải là bên tham gia các hiệp định.

Mustafa Barghouti, chủ tịch Sáng kiến Quốc gia Palestine, người đã tham dự các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, cho biết “tất cả các bên” đã nhất trí rằng họ nên gia nhập PLO và tổ chức này là đại diện hợp pháp duy nhất của người Palestine”.

Có một lịch sử lâu dài về mối thù giữa Hamas và Fatah. Hai bên đã nhiều lần thất bại trong việc đạt được thỏa thuận thống nhất hai vùng lãnh thổ Palestine riêng biệt dưới một cấu trúc quản lý duy nhất, với thỏa thuận năm 2017 nhanh chóng sụp đổ trong bạo lực.

Chính quyền Palestine nắm quyền kiểm soát hành chính đối với Gaza cho đến năm 2007, cho tới khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006 và trục xuất PA khỏi Gaza. Kể từ đó, Hamas đã cai quản Gaza và PA quản lý một số khu vực của Bờ Tây bị Israel chiếm đóng.

Hamas và Fatah đã ký một thỏa thuận hòa giải tại Cairo, Ai Cập vào tháng 10 năm 2017. Theo thỏa thuận, một chính phủ thống nhất mới được cho là sẽ nắm quyền kiểm soát hành chính Gaza hai tháng sau đó.

Tuy nhiên, những tham vọng cao cả của thỏa thuận đã nhanh chóng sụp đổ. Khi Thủ tướng Chính quyền Palestine Rami Hamdallah đến thăm Gaza vào tháng 3 năm 2018, ông đã trở thành mục tiêu của một vụ ám sát khi một quả bom phát nổ gần đoàn xe của ông. Đảng Fatah của ông Hamdallah ngay lập tức đổ lỗi cho Hamas về vụ tấn công.

Barghouti cho biết nỗ lực mới nhất nhằm hòa giải các phe phái Palestine “đã tiến xa hơn nhiều” so với những nỗ lực trước đây và bao gồm “các bước cụ thể” hướng tới việc thành lập một chính phủ đồng thuận.

Ông nói rằng cuộc chiến ở Gaza đã thúc đẩy các phe phái đoàn kết thành một mặt trận chung chống lại sự chiếm đóng của Israel. Ông nói. “Và vì vậy, theo nghĩa đó, cảm giác đoàn kết để đối đầu với phía Israel rất rõ ràng ở đây”.

Ông cho biết một chính phủ mới sẽ đảm bảo sự thống nhất của Bờ Tây và Dải Gaza, và nhằm “chặn đứng những nỗ lực” của Israel nhằm duy trì sự chiếm đóng Dải Gaza.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba ở Bắc Kinh, đại diện phái đoàn Hamas, Mousa Abu Marzook, cho biết họ đã đạt được thỏa thuận để hoàn tất “quá trình hòa giải”.

“Chúng ta đang ở ngã ba lịch sử. Nhân dân chúng ta đang vùng lên đấu tranh”, Marzook tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng hoạt động ngày 7/10 đã “thay đổi rất nhiều, cả về bối cảnh quốc tế và khu vực”.

Hossam Badran, một thành viên của Cục Chính trị Hamas, cho biết trong cuộc họp, một bước tiến tới thành lập một chính phủ đồng thuận đã được nhất trí về nguyên tắc, “với sự chấp thuận của các phe phái Palestine, để quản lý các vấn đề của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, giám sát công cuộc tái thiết và cũng chuẩn bị nền tảng cho các cuộc bầu cử ở giai đoạn sau”.

Badran cho biết sáng kiến này không nên đợi đến sau chiến tranh mà nên được tiến hành ngay cả khi xung đột vẫn tiếp diễn và việc thành lập một chính phủ như vậy có thể tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Sáng kiến ba bước để giải quyết vấn đề của Palestine

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết xung đột ở Gaza vẫn tiếp tục kéo dài và tác động lan tỏa của nó đang lan rộng. "Để giúp thoát khỏi xung đột và tình trạng khó khăn hiện tại, Trung Quốc đề xuất một sáng kiến gồm ba bước".

 Các đại biểu tham dự cuộc hòa đàm về vấn đề Palestine tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 23 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AFP

Các đại biểu tham dự cuộc hòa đàm về vấn đề Palestine tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 23 tháng 7 năm 2024. Ảnh: AFP

Bước đầu tiên là thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài và bền vững ở Dải Gaza càng sớm càng tốt và đảm bảo hỗ trợ nhân đạo và tiếp cận cứu trợ. Cộng đồng quốc tế nên đoàn kết hơn nữa về vấn đề ngừng bắn.

Bước thứ hai là duy trì nguyên tắc "Người Palestine quản lý Palestine" và cùng nhau thúc đẩy quản lý sau chiến tranh ở Gaza. Gaza là một phần không thể tách rời và toàn vẹn của Palestine, và việc tái khởi động công cuộc tái thiết sau xung đột càng sớm càng tốt là ưu tiên cấp bách.

Bước thứ ba là thúc đẩy Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc và bắt đầu thực hiện giải pháp hai nhà nước. Điều quan trọng là phải ủng hộ việc triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế có thẩm quyền hơn, rộng rãi hơn và hiệu quả hơn để đưa ra một thời gian biểu và lộ trình cho giải pháp hai nhà nước.

Trưởng đoàn Fatah Mahmoud al-Aloul và trưởng đoàn Hamas Musa Abu Marzouk đã có bài phát biểu thay mặt cho các phe phái Palestine. Họ bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và sự ủng hộ vững chắc, không thay đổi và sự hỗ trợ vô tư của Trung Quốc đối với Palestine trong một thời gian dài.

Họ đánh giá cao việc Trung Quốc hành động như một nước lớn có trách nhiệm và bảo vệ công lý cho người Palestine tại các diễn đàn quốc tế, đồng thời tuyên bố sẵn sàng thực hiện sự đồng thuận, tăng cường sự thống nhất giữa các phe phái, thúc đẩy quá trình hòa giải và nỗ lực sớm giải quyết vấn đề Palestine.

Các phái viên ngoại giao tại Trung Quốc hoặc đại diện của họ từ Ai Cập, Algeria, Ả Rập Xê Út, Qatar, Jordan, Syria, Lebanon, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đại diện từ 14 phe phái chính của Palestine đều đã tham dự lễ bế mạc, đồng thời đều bày tỏ hy vọng cuộc đàm phán sẽ mở ra cơ hội hòa bình lâu dài cho người Palestine, cũng như sự ổn định trong khu vực.

Hoàng Hải (theo Tân Hoa Xã, CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuyen-bo-bac-kinh-hy-vong-ve-mot-su-thong-nhat-va-hoa-binh-lau-dai-cho-nguoi-palestine-post304625.html