Tuyên bố Hạ Long: Sáng kiến về hành động sớm trong quản lý thiên tai
'Tuyên bố Hạ Long về hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN' là sáng kiến do Việt Nam đề xuất, tạo nên dấu ấn trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN trong quản lý thiên tai.
Hôm nay 12/10 tại Quảng Ninh, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 (AMMDM) đã thông qua “Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN.”
"Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN" bao gồm ba nội dung chính: Thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; Lập kế hoạch, vận hành và thực hiện và Thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn, để ứng phó khẩn cấp. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất xây dựng, góp phần tạo nên dấu ấn của nước ta trong năm thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN trong quản lý thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai năm 2023, Việt Nam đã và đang thúc đẩy chủ đề "Từ ứng phó đến hành động sớm và Tăng cường chống chịu: ASEAN tiến tới mục tiêu Lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai.” Chủ đề này nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai: chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
"Thay vì cứu trợ người dân sau khi thiên tai diễn ra, cơ chế hành động sớm để hỗ trợ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên khung thời gian dự báo, cảnh báo sớm do các cơ quan có thẩm quyền, có chuyên môn đưa ra. Điều này giúp công tác chuẩn bị, ứng phó thiên tai hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí phục hồi sau thiên tai và nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai, chuyển từ bị động sang thế chủ động," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
ASEAN là một trong những khu vực năng động, phát triển trên thế giới nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai. Nhiều thảm họa thiên tai như sóng thần, siêu bão, lũ lụt lịch sử, động đất nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của các quốc gia. Nhiều năm qua, các quốc gia ASEAN đã cùng nhau hành động, nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai với người dân trong cộng đồng ASEAN.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết các quốc gia ASEAN đã thống nhất được sự ưu việt và tiến bộ của hành động sớm trong quản lý thiên tai. ASEAN cùng các đối tác đối thoại đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai. Từ đó định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo, cảnh báo. ASEAN cũng đẩy nhanh nỗ lực trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, giàu khả năng chống chịu, hướng tới mục tiêu trở thành cơ chế đi đầu trong quản lý thiên tai.
Bên cạnh việc chính thức thông qua Tuyên bố Hạ Long, Hội nghị AMMDM lần thứ 11 còn tập trung thảo luận các nội dung bao gồm: Định hướng hoạt động trong thời gian tới cho Ban Quản trị Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (Trung tâm AHA); quy tắc tài chính của Quỹ Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp; ghi nhận Tuyên bố các nhà lãnh đạo ASEAN về chống chịu bền vững được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Indonesia; cập nhật về tình hình hỗ trợ nhân đạo ASEAN cho Myanmar.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày ASEAN về quản lý thiên tai, Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10) và dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM), Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục hợp tác để đưa ASEAN trở thành khu vực phát triển, thịnh vượng và an toàn trên thế giới.
"Với tinh thần đoàn kết, củng cố lòng tin chiến lược, chân thành hợp tác trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi vàvới quyết tâm, trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực, chúng ta hoàn toàn tin tưởng ASEAN có thể cùng nhau nâng tầm sức mạnh; sẵn sàng vượt qua những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai; bảo vệ những thành quả phấn đấu trong nhiều năm," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.