Tuyên bố 'tự lực' chống COVID-19, sau lưng Mỹ lại lặng lẽ làm điều này với cả đồng minh và đối thủ

Tờ The Guardian đăng tải, Mỹ đang phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng minh để khắc phục tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế trong cuộc chiến chống virus corona mới, hay còn gọi là COVID-19.

Trong những phát biểu công khai, Tổng thống Trump nhấn mạnh tới việc dựa vào các nguồn lực nội địa để đối phó với khủng hoảng. "Chúng ta đừng bao giờ nên dựa vào một quốc gia khác cho những phương tiện sinh tồn của mình", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng vào tối ngày 24/3. "Mỹ sẽ không bao giờ là một đất nước đi cầu xin [nước khác]".

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 24/3 (ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 24/3 (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, theo The Guardian, ở phía "sau màn", Washington lại đang tiếp cận các đối tác châu Âu và châu Á nhằm tìm kiếm nguồn cung cấp các bộ xét nghiệm và nhiều thiết bị y tế khác.

Cũng trong ngày 24/3, ông Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in để hỏi liệu quốc gia châu Á này có thể cung cấp thiết bị y tế cho Mỹ hay không.

Mặc dù Nhà Trắng từ chối bình luận trực tiếp nhưng Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho hay, cuộc điện đàm được thực hiện theo "yêu cầu khẩn cấp" của ông Trump.

Tổng thống Mỹ được cho là đã bày tỏ sự khen ngợi với chương trình xét nghiệm của Hàn Quốc, còn Tổng thống Moon khẳng định, ông sẽ ủng hộ việc xuất khẩu các trang thiết bị thiết yếu sang Mỹ "nếu trong nội địa còn dư hàng".

Cùng lúc trang Foreign Policy đưa tin, một quan chức ngoại giao Mỹ có tên David Hale đã cố gắng thiết lập danh sách các nước có thể bán cho Mỹ các thiết bị vật tư y tế thiết yếu.

"Phụ thuộc vào nhu cầu, Mỹ có thể mua nhiều vật dụng này với số lượng lên tới hàng trăm triệu, trong khi mua các thiết bị hiện đại hơn như máy thở với số lượng lên tới hàng trăm nghìn", một bức thư điện tử gửi tới các đại sứ quán Mỹ tại châu Âu và khu vực Âu-Á viết. Tuy nhiên, bức thư cũng nhấn mạnh, danh sách trên "không bao gồm Moscow".

Trước đó, ngày 15/3, giới chức Đức tiết lộ, họ đã từ chối một đề nghị của chính quyền Trump đòi mua độc quyền loại vaccine chống COVID-19 đang được một công ty Đức phát triển.

Tình trạng thiếu thiết bị y tế có thể ảnh hưởng tới năng lực xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng của Mỹ trong tương lai gần (ảnh: Getty Image)

Tình trạng thiếu thiết bị y tế có thể ảnh hưởng tới năng lực xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng của Mỹ trong tương lai gần (ảnh: Getty Image)

Sau những phản ứng ban đầu chậm chạp, Mỹ đang tìm cách mở rộng xét nghiệm. Hôm thứ Ba, ông Trump tuyên bố, chỉ trong 8 ngày, số xét nghiệm mà Mỹ đã tiến hành còn nhiều hơn cả những gì Hàn Quốc làm được trong 8 tuần.

Tính tới cuối tuần trước, Hàn Quốc đã xét nghiệm COVID-19 cho 270.000 người (tỷ lệ là 1/190 người) kể từ khi dịch bệnh bùng phát, trong khi đó, Mỹ đã tiến hành 266.000 xét nghiệm (tỷ lệ là 1/1.230 người) trong vòng 8 ngày qua. Tuy nhiên, thời điểm Seoul bắt đầu xét nghiệm khi dịch bùng phát trong nước sớm hơn nhiều so với Mỹ.

Một số bộ phận tối cần thiết trong bộ xét nghiệm hiện đang rơi vào tình trạng khan hiếm trên toàn cầu, bao gồm cả thuốc thử để phát hiện COVID-19 và dụng cụ thông mũi để lấy mẫu xét nghiệm.

Tình trạng thiếu bộ xét nghiệm được đánh giá là sẽ ảnh hưởng tới năng lực xét nghiệm diện rộng của Mỹ trong tương lai gần. Nhiều chuyên gia y tế phải lên tiếng kêu gọi chỉ tiến hành xét nghiệm cho bệnh nhân đã nhập viện.

Hôm 18/3, trang Defense One đưa tin, không lực Mỹ đã lặng lẽ chở nửa triệu dụng cụ thông mũi từ Italy tới Memphis, bang Tennessee và dự kiến sẽ phân phối chúng tới nhiều địa điểm trên toàn nước Mỹ.

Mỹ tìm tới các đồng minh trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và nhiều nước đang trên đà xuống dốc. Ông Trump từng yêu cầu Hàn Quốc bỏ ra nhiều tiền hơn – lên tới 5 tỷ USD/năm để trả cho chi phí các binh lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Quân đội Mỹ cũng đe dọa sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên Hàn Quốc nếu Seoul không đồng ý với thỏa thuận trên.

"Rõ ràng chúng ta không nên sử dụng đồng minh như là những cái khiên bảo vệ, làm ảnh hưởng tới một đồng minh thân cận và có năng lực với 5 tỷ USD trong khi cho rằng, chủ nghĩa giao dịch đơn phương sẽ không để lại hậu quả gì", học giả cấp cao chuyên về nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Đối ngoại Mira Rapphooper từng viết trên Twitter.

Hiện Mỹ là nhà nhập khẩu thuốc và thiết bị y tế lớn nhất của Trung Quốc. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Washington vẫn tìm cách mua thêm khẩu trang và các dụng cụ bảo hộ y tế từ Trung Quốc, tuy nhiên quá trình đàm phán đang đối mặt với nhiều thách thức do căng thẳng gia tăng trong quan hệ giữa hai nước liên quan tới việc ông Trump gần đây liên tục gọi virus corona mới là "virus Trung Quốc".

Bên cạnh đó, tình trạng các đường bay quốc tế bị gián đoạn do dịch bệnh bùng phát cũng khiến nhập khẩu vào Mỹ chịu tác động nghiêm trọng.

"Đó là chuỗi cung cấp với rất nhiều nút thắt cổ chai đang biến đổi một cách liên tục và chính quyền [Mỹ] phải nỗ lực để giải quyết từng khó khăn một khi chúng lần lượt xuất hiện", ông Prashant Rao, một học giả tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu giải thích. "Điều chúng ta cần cho tới thời điểm này là một cách tiếp cận toàn diện hơn".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tuyen-bo-tu-luc-chong-covid-19-sau-lung-my-lai-lang-le-lam-dieu-nay-voi-ca-dong-minh-va-doi-thu-20200325121719921.htm