'Tuyên chiến' với thực phẩm giả trước khi quá muộn!

Nếu không quyết liệt đấu tranh, triệt xóa nạn sản xuất, kinh doanh sữa giả, thực phẩm giả thì hệ lụy rất nghiêm trọng, khôn lường không chỉ với mỗi người, mỗi nhà mà cả tương lai dân tộc - đất nước. Bởi thế, 'cuộc chiến' này cần làm ngay và phải làm quyết liệt, triệt để, trước khi quá muộn!

Chiều 2-7, phát biểu trong Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (tại trụ sở phường Đống Đa, TP Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Thực phẩm giả và thuốc giả là không thể chấp nhận được, đặc biệt là gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người già và trẻ em. Các cháu bé là tương lai của đất nước, đáng lẽ cần dinh dưỡng để phát triển, lại mua phải sữa giả. Các cụ già ốm yếu, không ăn được cơm, mua được hộp sữa để hy vọng có sức khỏe, lại mua phải sữa giả... Phải tuyên chiến với loại tội phạm này! Không chỉ hàng giả mà kém chất lượng cũng không thể chấp nhận được.

 Siro ăn ngon Hải Bé quảng cáo trên các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, là hàng giả. Ảnh chụp màn hình

Siro ăn ngon Hải Bé quảng cáo trên các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, là hàng giả. Ảnh chụp màn hình

Trước đó, lực lượng Công an liên tục triệt phá các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả. Đặc biệt, việc phát hiện rất nhiều loại thực phẩm giả, sữa giả với những vụ “tày đình” về sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đã khiến người dân vô cùng lo lắng. Điển hình là vụ Công ty TNHH Hải Bé trực tiếp làm và bán hơn 800.000 sản phẩm giả, riêng "Siro ăn ngon Hải Bé" chủ yếu dành cho trẻ em (được quảng cáo là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hoàn toàn từ thiên nhiên, nguyên liệu sạch) đã bán hơn 100.000 hộp; vụ Công ty Z Holding sản xuất sữa bột giả được đóng thành hộp gồm ba loại: 420 gam, 650 gam và 800 gam; vụ Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất gần 600 loại sữa bột giả; vụ Công ty Nhật Minh Food sản xuất và tiêu thụ dầu ăn số lượng rất lớn từ nguyên liệu dùng trong chăn nuôi được gắn mác dầu thực phẩm bổ sung vitamin A, với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng, đang gây rúng động dư luận…

Những vụ làm và bán sữa giả, thực phẩm giả vừa bị lôi ra ánh sáng đã làm người tiêu dùng phát hoảng, sốc nặng! Thế nhưng dư luận cho rằng, đó mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Còn rất nhiều loại thực phẩm giả, sữa giả gây nguy hại cho người dùng, cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em… vẫn chưa bị phát hiện và đang tiếp tục hủy hoại sức khỏe nhân dân.

Việc người Việt Nam có tầm vóc nhỏ và có tỷ lệ mắc những bệnh nan y (nhất là ung thư) cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, phải chăng nguyên nhân chính là do sữa giả, thực phẩm giả gây ra? Tương lai người Việt sẽ ra sao nếu từ lúc trong bụng mẹ, trẻ sơ sinh đến khi lớn đều sử dụng sữa giả, thực phẩm giả?

 Khám xét kho hàng của Công ty TNHH Hải Bé, lực lượng Công an phát hiện số lượng thực phẩm chức năng giả khổng lồ. Ảnh do Công an cung cấp

Khám xét kho hàng của Công ty TNHH Hải Bé, lực lượng Công an phát hiện số lượng thực phẩm chức năng giả khổng lồ. Ảnh do Công an cung cấp

Ngày 23-6 vừa qua, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Tiếp tục kiên định mục tiêu, kiên quyết tuyên chiến, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới quét sạch tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, cần nhanh chóng, kịp thời triệt phá, không khoan nhượng, quét sạch nạn thuốc giả, thực phẩm giả vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân…

Chỉ đạo quyết liệt, rất đúng và trúng của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Đã đến lúc, chúng ta cần coi việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả - nhất là sữa và thực phẩm dùng cho cho trẻ em, phụ nữ mang thai - là tội ác phá hoại giống nòi; để từ đó có quyết tâm cao độ và những biện pháp đồng bộ, quyết liệt phòng, chống, không để tình trạng nhức nhối này tái diễn.

Những việc cần làm ngay đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, đó là: Huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc; các lực lượng chức năng phải liên tục ra quân, không phải làm mạnh một đợt, một kỳ, một tháng mà phải làm thường xuyên, xử lý nghiêm để cảnh tỉnh; phát động phong trào để mỗi doanh nghiệp và người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống gian lận thương mại, hàng giả; hoàn thiện bộ máy đủ mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại; phân cấp, phân quyền rõ cho mỗi ngành, mỗi cấp; đáp ứng các yêu cầu về tài chính, công nghệ để kiểm soát chất lượng hàng hóa; nghiên cứu định danh điện tử cho các loại mặt hàng…

 Sữa bột giả bị lực lượng Công an phát hiện. Ảnh: VTV

Sữa bột giả bị lực lượng Công an phát hiện. Ảnh: VTV

Các chuyên gia về phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả cho rằng, bên cạnh triển khai quyết liệt các biện pháp trên, phải quy trách nhiệm rõ và có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với cơ quan, cán bộ chức năng để xảy ra vụ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực mình phụ trách. Có như vậy mới phòng tránh được tình trạng thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, quản lý, thậm chí còn “bảo kê”.

Đặc biệt, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, giải pháp hết sức quan trọng, căn cơ là phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, ban hành chặt chẽ các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm, nhất là sữa và các loại thực phẩm dành cho trẻ em; quy định chi tiết về việc đăng ký, công bố nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm ngay trên bao bì với các chỉ số cụ thể, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, tránh “lập lờ” dễ làm giả, làm nhái mà người tiêu dùng rất khó kiểm chứng. Cơ quan chức năng phải đăng tải công khai thông tin đăng ký, chất lượng sản phẩm và hướng dẫn sử dụng trên website để bất kỳ ai muốn kiểm tra thì chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm là biết, từ đó quyết định có mua hay không, đồng thời có thể tố giác nếu phát hiện hàng giả, chất lượng thấp.

Trong bài viết "Tương lai cho thế hệ vươn mình", Tổng Bí thư Tô Lâm rất trăn trở với chiến lược nâng cao sức khỏe và thể chất của người Việt, đặc biệt là từ thế hệ trẻ, nhằm nâng cao tầm vóc người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, bởi đây là vấn đề mang tính cấp thiết. Nếu không triển khai ngay các biện pháp chăm lo, cải thiện tầm vóc thì thể lực người Việt sẽ “tụt hậu” càng xa so với bạn bè quốc tế. Vì thế, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết phải thực hiện công tác phòng, chống thực phẩm giả (đặc biệt là sữa giả dùng cho bà mẹ và trẻ em) theo tinh thần quyết liệt, triệt để nhất; tuyệt đối không “bắt cóc bỏ đĩa” để những mặt hàng nguy hại hằng ngày phá hoại sức khỏe hàng triệu người, làm suy yếu nòi giống Việt!

Thực tế cho thấy, nếu chúng ta không quyết liệt đấu tranh, triệt xóa nạn sản xuất, kinh doanh sữa giả, thực phẩm giả, mà còn nương nhẹ với hành vi cực kỳ nguy hiểm này thì vừa không thể răn đe, vừa sẽ tạo “cuộc đua” sản xuất và buôn bán sản phẩm giả, chất lượng thấp để có nhiều lợi nhuận - hệ lụy rất nghiêm trọng, khôn lường không chỉ với mỗi người, mỗi nhà mà cả tương lai dân tộc - đất nước. Bởi thế, “cuộc chiến” triệt tiêu thực phẩm giả, sữa giả là việc cần làm ngay và phải làm quyết liệt, triệt để, trước khi quá muộn!

Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải tuyên chiến với hàng giả

Chiều 2-7, phát biểu trong Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (tại trụ sở phường Đống Đa, TP Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Thực phẩm giả và thuốc giả là không thể chấp nhận được, đặc biệt là gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người già và trẻ em. Các cháu bé là tương lai của đất nước, đáng lẽ cần dinh dưỡng để phát triển, lại mua phải sữa giả. Các cụ già ốm yếu, không ăn được cơm, mua được hộp sữa để hy vọng có sức khỏe, lại mua phải sữa giả... Phải tuyên chiến với loại tội phạm này! Không chỉ hàng giả mà kém chất lượng cũng không thể chấp nhận được.

HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/tuyen-chien-voi-thuc-pham-gia-truoc-khi-qua-muon-834620