Tuyển chọn hòa giải viên tại tòa án ở Hà Tĩnh để triển khai luật mới hiệu quả
Bắt đầu từ 1/1/2021, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành. Để triển khai luật hiệu quả, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp ở Hà Tĩnh đã kịp thời chuẩn bị cơ sở vật chất, đồng thời đặc biệt chú trọng việc tuyển chọn hòa giải viên.
TAND tỉnh đã tổ chức triển khai Luật Hòa giải, đối thoại Tòa án và họp Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hà Tĩnh (ảnh chụp ngày 30/12/2020).
“Tiêu chí để lựa chọn các hòa giải viên ưu tiên những người có kiến thức pháp lý vững vàng, am hiểu pháp luật; thường là thanh tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chấp hành viên thi hành án dân sự; tiếp đó, là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Ngay từ cuối tháng 12, chúng tôi đã bắt đầu lựa chọn 3 hòa giải viên theo đúng tiêu chuẩn, gồm: phó viện trưởng viện KSND thị xã, chánh án TAND thị xã (đều đã về hưu) và hội thẩm nhân dân” - Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh Bùi Quang Năng cho biết.
Với các tiêu chí nêu trên, qua một thời gian tìm hiểu, rà soát kỹ trên diện rộng, TAND huyện Kỳ Anh đã tuyển chọn được 2 người gồm: nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã về hưu và một luật sư. “Huyện Kỳ Anh là một trong những địa phương có lượng án hằng năm phải giải quyết rất lớn và luôn gia tăng, điều này tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ thẩm phán, thư ký. Triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, chắc chắn sẽ giúp giảm tải một khối lượng công việc không nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi đang khẩn trương tuyển chọn tiếp 3 hòa giải viên nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra” - Chánh án TAND huyện Kỳ Anh Hoàng Ngọc Tùng cho hay.
Được biết, TAND 2 cấp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và văn bản quy định chi tiết thi hành luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, đăng tải các ấn phẩm về luật; lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm hòa giải viên theo quy định; sắp xếp, bố trí phòng làm việc và các điều kiện cơ sở vật chất khác phù hợp...
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu trao quyết định cho 2 hòa giải viên cấp tỉnh vào sáng 14/1/2021.
Đến thời điểm hiện tại, TAND 2 cấp đã lựa chọn 36 người để bổ nhiệm hòa giải viên tại tòa án theo đúng quy định; chuẩn bị cơ bản điều kiện cơ sở vật chất để các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án đi vào hoạt động.
Các hòa giải viên cũng đã được TAND tối cao tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại tòa án. Qua đó, giới thiệu cụ thể, chi tiết về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các văn bản thi hành; truyền đạt các kỹ năng hòa giải tranh chấp dân sự; kỹ năng đối thoại khiếu kiện hành chính; giải đáp các thắc mắc… Qua đó, hòa giải viên có thêm kinh nghiệm, kiến thức khi trực tiếp hòa giải, đối thoại trong các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Có thể nói, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là thiết chế hoàn toàn mới. Luật không chỉ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp mà còn tạo thêm cơ chế để các bên tự nguyện hòa giải, đối thoại nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp hiệu quả hơn. Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án…
Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu cho biết: “Với việc không phải trực tiếp tiến hành các hoạt động tố tụng khi giải quyết các vụ việc đã tạo thuận lợi để các thẩm phán, thư ký tòa án tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý, đảm bảo tỷ lệ, chất lượng xét xử giải quyết các loại án trong bối cảnh biên chế thẩm phán, cán bộ tòa án còn phải tinh giản. Việc hòa giải, đối thoại thành dựa trên công tác dân vận cũng góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân, triệt tiêu những mâu thuẫn có thể phát sinh khi các tranh chấp phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và Nhân dân”.