Tuyến dưới 'giữ chân' người bệnh không phải chuyển tuyến nhờ là vệ tinh của BV Tim Hà Nội
Nhờ tham gia đề án Bệnh viện vệ tinh với BV Tim Hà Nội, chất lượng thăm khám, điều trị bệnh lý tim mạch tại 16 bệnh viện tuyến dưới đã nâng lên. Người dân được chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn ngay tại địa phương, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt
Ngày 18/12, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức Hội nghị công tác chỉ đạo tuyến, đánh giá cuối kỳ đề án BV vệ tinh 2016-2020; kế hoạch thực hiện đề án khám, chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020- 2025 và Hội nghị khoa học chuyên ngành tim mạch 2020.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền- Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, BV Tim Hà Nội đã triển khai đề án BV vệ tinh tại 16 BV với các mục tiêu: Hình thành, phát triển mạng lưới BV vệ tinh chuyên ngành Tim mạnh ở miền Bắc, miền Trung; Nâng cao năng lực quản lý và điều trị bệnh Tim mạch qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; Giảm thiểu tỷ lệ chuyển tuyến các bệnh lý Tim mạch từ 16 BV vệ tinh lên tuyến trên.
Nhiều hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được triển khai như, tổ chức các lớp đào tạo tại bệnh viện tim, tại các bệnh viện vệ tinh… Hàng chục lớp chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ bệnh viện vệ tinh theo từng gói kỹ thuật: Tim mạch cơ bản; cấp cứu tim mạch; điện tim; siêu âm tim; can thiệp tim mạch cơ bản; điều dưỡng cấp cứu tim mạch, điều dưỡng nội khoa tim mạch; phẫu thuật tim mạch cơ bản; gây mê trong phẫu thuật tim mạch…
Tổng số có 1.030 học viện được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật (có cấp chứng nhận). Cụ thể, có 63 lớp (875 học viện) được đào tạo về nội tim mạch; 22 lớp (78 học viên) về ngoại tim mạch; 17 lớp (75 học viên) được đào tạo về can thiệp tim mạch.
Có 320 lượt chuyên gia tham gia 213 đợt chuyển kỹ thuật cho 16 bệnh viện vệ tinh, với 11 gói kỹ thuật: Tim mạch cơ bản, cấp cứu tim mạch, siêu ân Doppler tim cơ bản, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim bẩm sinh, siêu âm mạch máu…
Thời gian qua, BV Tim Hà Nội đã hoàn thành biên soạn mới, hoàn thiện, phát triển hàng chục chương trình đào tạo, đề cương chuyển giao kỹ thuật để phục vụ chuyển giao các gói kỹ thuật. Theo đó, BV Tim Hà Nội đã xây dựng được 27 chương trình và tài liệu đào tạo liên tục tim mạch được Bộ Y tế phê duyệt. Các chương trình, tài liệu tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Nội tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nhi, phẫu thuật tim mạch lồng ngực giúp cho việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được chuẩn hóa, đạt hiệu quả cao.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong những năm gần đây ngành y tế không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. BV Tim Hà Nội đã nỗ lực không ngừng và được Bộ Y tế công nhận là BV hạt nhân, bệnh viện tuyến cuối để hỗ trợ các BV tuyến dưới (bệnh viện vệ tinh) nâng cao trình độ chuyên môn. BV cũng được giao hướng dẫn các BV tuyến dưới thông qua Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng hết sức vinh dự và Bộ Y tế tin tưởng BV sẽ hoàn thành tốt.
Trong thời gian tới PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị BV Tim Hà Nội tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và địa chỉ tin cậy của Bộ Y tế giao hỗ trợ tuyến dưới. Đồng thời, BV cần tiếp tục thực hiện Tiêu chí BV an toàn chống dịch COVID-19 vì BV có an toàn mới đảm bảo được vấn đề chất lượng.
Thời gian tới, BV Tim Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh từ xa; Tiếp tục thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến chuyên khoa đầu ngành Tim mạch tại Hà Nội, thực hiện luân phiên người hành nghề hỗ trợ tuyến dưới thuộc Hà Nội theo sự phân công của Sở Y tế; Tiếp tục duy trì, mở rộng hợp tác với các đơn vị Y tế từ tuyến quận, huyện đến Trung ương; Tiếp tục thực hiện hoạt động đào tạo tập trung tại BV và thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
“Đồng thời, BV cũng sẽ tiếp tục đề án Telehealth để nâng cao trình độ chuyên môn trong điều trị tim mạch cho tuyến dưới. Qua đó giúp cho nhiều BV tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch, nhất là “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên” - PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền thông tin.
Thời gian qua, BV Tim Hà Nội đã có số ca mổ nhiều nhất Hà Nội và đã phẫu thuật được tất cả các bệnh lý liên quan đến tim mạch; phẫu thuật cho bệnh nhân ở tất cả các lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đến cụ già gần 100 tuổi. Số lượng bệnh nhân đến với BV ngày càng tăng: Năm 2005, BV tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì năm 2020 đã tăng gần 4.000 bệnh nhân.
Từ một BV chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, BV Tim Hà Nội đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành Tim mạch. Với vai trò là BV hạt nhân, BV Tim Hà Nội đã mang kỹ thuật can thiệp tim mạch tới hơn 16 bệnh viện trên toàn quốc.
Hầu hết các đơn vị được BV Tim Hà Nội giúp đỡ hỗ trợ đào tạo chuyên môn đều có tăng trưởng nhanh và tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như người dân tại các địa phương. Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhất là “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên.
ThS.BS Nguyễn Tấn Phúc- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai – một trong những BV vệ tinh của BV Tim Hà Nội cho hay, nhờ tham gia đề án Bệnh viện vệ tinh, đề án Khám chữa bệnh từ xa với BV Tim Hà Nội, chất lượng thăm khám, điều trị bệnh lý tim mạch tại BVĐK tỉnh Gia Lai đã nâng lên, chúng tôi đã dần làm chủ nhiều kỹ thuật cao. Người dân được chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn ngay tại địa phương, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt.