Tuyến đường biển phía Bắc giúp dầu Nga đến Trung Quốc nhanh hơn
Sử dụng tuyến đường biển phía Bắc giúp Nga tiết kiệm tới hai tuần, hoặc khoảng 30% thời gian vận chuyển dầu đến Trung Quốc.
Bloomberg đưa tin, Nga đang vận chuyển một lô hàng dầu thô qua biển Bắc Cực đến Trung Quốc, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mặc dù động thái này gây ra những lo ngại về môi trường.
Tàu chở dầu Primorsky Prospect lớp Aframax đang hướng về phía Bắc tới bờ biển Na Uy, cho thấy điểm đến của tàu là thành phố Nhật Chiếu ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, dự kiến cập cảng vào ngày 12/8.
Tàu Primorsky Prospect được đóng vào năm 2010 và thuộc sở hữu của công ty đóng tàu Nga Sovcomflot. Con tàu đã chở khoảng 730.000 thùng dầu thô Urals của Nga tại cảng Ust-Luga của Baltic vào ngày 11-12/7, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg.
Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đã buộc Nga phải tìm kiếm các thị trường mới cho dầu thô của mình. Các khách hàng mua dầu của Nga chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ, khiến thời gian giao hàng lâu hơn do đường xa hơn và chi phí vận chuyển đắt hơn.
Tuyến đường Bắc Cực ngắn hơn trở nên hấp dẫn, nhưng việc sử dụng tuyến đường biển này để vận chuyển hàng hóa từ lâu đã bị phản đối.
Sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), qua vùng biển Bắc Cực ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Nga, có thể tiết kiệm tới 2 tuần, hoặc khoảng 30% thời gian, so với tuyến đường phía Nam qua Địa Trung Hải và kênh đào Suez.
Nga đang đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Bắc Cực nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa tuyến đường biển phía Bắc trở thành tuyến vận chuyển chính của nước này.
Rosatom - công ty vận hành NSR - và các nhà sản xuất dầu của Nga đang nghiên cứu khả năng chuyển hướng các chuyến hàng dầu thô từ các cảng Baltic qua Bắc Cực.
Tuyến đường biển phía Bắc không được sử dụng vào mùa Đông do băng dày. Tuy nhiên, Novatek - công ty vận hành các dự án LNG trên bờ biển Bắc Cực của Nga - có kế hoạch bắt đầu vận chuyển theo hướng Đông quanh năm qua Tuyến đường biển Bắc Cực vào đầu năm 2024.