Tuyến đường mở hướng phát triển cho Nậm Chày

Nậm Chày không chỉ là xã khó khăn nhất của huyện Văn Bàn, mà còn thuộc diện khó khăn nhất tỉnh bởi hàng trăm cái khó bủa vây, trong đó có hạ tầng giao thông. Tuyến đường nối từ trung tâm xã Nậm Chày đến xã Dương Quỳ (cùng huyện) đang được đầu tư nâng cấp được kỳ vọng mở ra cơ hội để đồng bào nơi đây phát triển kinh tế.

Trung tâm xã Nậm Chày.

Trung tâm xã Nậm Chày.

Gian nan đường lên Nậm Chày

Cách đây hơn chục năm, lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Nậm Chày. Tuyến đường lên xã đi lại vất vả, nhưng khi ấy nhiều xã trong tỉnh cũng có “đặc sản” này nên chúng tôi không bất ngờ. Vậy nhưng sau chừng ấy năm, khi hầu hết các đường trục xã trong tỉnh đã được đổ bê tông hoặc rải nhựa thì đường lên Nậm Chày vẫn không có nhiều thay đổi. Từ điểm đầu thuộc Bản Pầu (xã Dương Quỳ) đến trung tâm xã Nậm Chày đã xuống cấp nặng, không đáp ứng được việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Dọc đường đi đất đá lởm chởm, “ổ voi, ổ gà” không kể xiết, những rãnh sâu do bị nước mưa xói mòn lâu ngày trở thành cái “bẫy” cả ô tô, xe máy và những vệt sát trượt phía taluy âm sâu hun hút khiến ai đi qua cũng phải rùng mình. Ông Vàng Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chày kể, chỉ vì đường khó mà trước đây có cán bộ biết mình được phân về Nậm Chày công tác hôm trước, hôm sau đã không thấy quay lại.

Trong số 144 xã của tỉnh, hiện chỉ còn duy nhất Nậm Chày chưa có đường nhựa đến trung tâm. Nói thế để thấy xã vùng cao này đã đi sau nhiều địa phương khác thế nào. Giao thông khó khăn tác động nhiều đến đời sống, sinh hoạt, phát triển kinh tế của người dân. Theo báo cáo của UBND xã Nậm Chày, hiện xã còn tới 48,8% hộ thuộc diện nghèo, 17% hộ cận nghèo. Thực hiện chương trình xây dựng nông mới suốt 10 năm qua nhưng đến nay xã mới đạt 4 tiêu chí. Giao thông hạn chế khiến nhiều chương trình, dự án được triển khai tại địa phương chưa mang lại hiệu quả.

Phó Chủ tịch Vàng Thanh Sơn cho biết: Tỉnh và huyện đã triển khai nhiều dự án nông nghiệp trên địa bàn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, giao thông cách trở khiến cước vận chuyển tăng, thương lái tìm cách ép giá nên bà con không mặn mà thực hiện, nhiều mô hình triển khai được một thời gian ngắn lại dừng. Ở Nậm Chày nhiều năm qua chưa có mô hình nào nổi bật, hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ thi công

Dự án nâng cấp đường Dương Quỳ - Nậm Chày được xây dựng đi qua địa phận các xã: Dương Quỳ, Nậm Chày và Dần Thàng, dài 14 km, điểm đầu từ ngã ba giao với Dương Quỳ - Dần Thàng đến điểm cuối thôn Hỏm Dưới của xã Nậm Chày. Công trình được thiết kế theo quy mô đường giao thông nông thôn cấp B, rộng 5 m, mặt đường 3,5 m, tổng mức đầu tư 43,8 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào đầu tháng 8/2018.

Khi nghe tin tuyến đường được đầu tư nâng cấp, rải nhựa, người dân Nậm Chày khấp khởi mừng, những dự định làm ăn trước kia chưa thực hiện được thì nay bắt đầu được khởi động lại. Ông Vàng Seo Sử, ở thôn Nậm Chày bảo chờ xong tuyến đường sẽ đầu tư một chiếc xe tải nhỏ để chuyên chở nông sản thuê. “Đâu phải chỉ có bà con mong mỏi, cán bộ, giáo viên trên này cũng mong lắm chứ, bao năm qua con đường có hơn chục cây số mà đi cả tiếng đồng hồ”, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chày Vàng Thanh Sơn nói.

Người dân các thôn thuộc xã Dương Quỳ và xã Dần Thàng nơi tuyến đường đi qua cũng chung niềm vui. Ông Triệu Phúc Thanh, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Cần, xã Dền Thàng tâm sự: Năm 2009, tuyến đường bê tông trục thôn đã được đổ bê tông nhưng khi ra đến “ngõ” thì bị tắc, bởi tuyến đường chính nối xuống trung tâm xã Dương Quỳ đi lại khó khăn khiến việc giao lưu, thông thương của bà con Nậm Cần rất gian nan.

Ở 2 thôn Bản Pầu và Nà Cò (xã Dương Quỳ), người dân dù mất nhiều diện tích đất sản xuất để phục vụ thi công tuyến đường nhưng ai cũng vui vẻ bàn giao mặt bằng. Ông Phùng Văn Thời, Chủ tịch UBND xã Dương Quỳ cho biết: Người dân Dương Quỳ cũng đang chờ đợi từng ngày để được đi trên con đường mới.

Theo Ban Quản lý dự án ODA tỉnh, do tuyến đường Dương Quỳ - Nậm Chày là tuyến đường độc đạo, có ý nghĩa vô cùng quan trọng kết nối xã Dương Quỳ và Nậm Chày nên đã chỉ đạo quyết liệt đối với nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình vào sử dụng trong thời gian sớm nhất, dự kiến bàn giao kỹ thuật trong quý IV/2019 để bà con đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và yêu cầu nhà thầu thi công huy động đủ máy, thiết bị, nhân công. Ngoài ra, chủ đầu tư luôn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân tạo sự đồng thuận, hỗ trợ và điều kiện tốt nhất cho đơn vị thi công triển khai thực hiện.

Mạnh Dũng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/tuyen-duong-mo-huong-phat-trien-cho-nam-chay-z3n20190927143046317.htm