Tuyên dương tấm gương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc
Cuộc gặp mặt là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nằm trong các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2019).
Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức cuộc Gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nằm trong các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2019).
Cuộc gặp mặt thể hiện nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, quân và dân cả nước đối với các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Tại cuộc gặp mặt, 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh trong cả nước.
Những tấm gương nghị lực
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự xúc động đến dự cuộc gặp mặt tuyên dương các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Các đại biểu là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam, là những tấm gương sáng đáng khâm phục, lay động lòng người, động viên, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng, mà 500 đồng chí thương binh nặng có mặt hôm nay là những đại diện tiêu biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các đại biểu hôm nay được biểu dương đều là những người lính, trải qua các cuộc chiến tranh gian khổ, khốc liệt, bị mất sức lao động 81% trở lên, nhiều người là Anh hùng lực lượng vũ trang, có đại biểu là nữ, đại diện cho các vùng miền, các dân tộc. Tất cả nay trở về với cuộc sống đời thường tại gia đình hay tại các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đa số các đồng chí thương binh nặng phải di chuyển bằng xe lăn, xe lắc hoặc không tự chủ được trọng sinh hoạt...
"Các đồng chí đã phấn đấu vươn lên bằng ý chí và nghị lực phi thường, điều dưỡng thương tật, ổn định đời sống, đoàn kết giúp đỡ nhau, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng để xây dựng gia đình, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong số 500 đại biểu được tuyên dương có hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động trên 90%. Các thương binh nặng dù đang sống cùng gia đình hay các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng đều có chung một ý chí, một nghị lực phi thường vươn lên chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định sức khỏe, ổn định đời sống để chăm lo xây dựng gia đình, cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu tấm gương sáng trong cuộc sống học tập, lao động và công tác, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Một trong những tấm gương đó là thương binh nặng Nguyễn Trung Tín (phường 14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh) suy giảm khả năng lao động 95%, tham gia rất nhiều chiến dịch lớn của quân đội như chiến dịch Chu Lai; Tư Nghĩa, Quảng Nam; Thu Bồn, Quế Sơn; Đường 9, Nam Lào; Phỉ Vàng Pao tại Trung Lào... Trong chiến dịch Tân Cảnh - Đắc Tô, ông đã bị thương gãy cột sống, vỡ 2 khung xương chậu, vỡ bàng quang. Sau chiến tranh giải phóng, trở về quê hương, mặc dù vết thương cũ thường xuyên tái phát, nhưng bản thân ông vẫn kiên trì tập luyện, vượt qua bệnh tật và nay là Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh...
Hội nghị biểu dương gương thương binh nặng Nguyễn Văn Lộc (phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) suy giảm khả năng lao động 91%, ông là người nặng lòng với những đồng chí, đồng đội đã hy sinh chưa tìm được hài cốt với tâm sự đầy xúc động: "Chiến tranh kết thúc, chúng ta đã được trở về, nhưng còn rất nhiều đồng chí, đồng đội vẫn nằm lại ở nơi khe suối, bìa rừng. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với những đồng đội đã ngã xuống. Chừng nào còn sống, còn sức khỏe thì hành trình tìm đồng đội vẫn chưa dừng lại".
Trong nhiều năm qua, ông Lộc đã cùng đồng đội tìm kiếm, cung cấp thông tin để các đơn vị quân đội quy tập hàng trăm hài cốt liệt sỹ đưa về yên nghỉ.
Trong số 500 đại biểu, có nhiều người là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là những tấm gương tiêu biểu trong hàng triệu những tấm gương tiêu biểu trong công cuộc kháng chiến vĩ đại và thần kỳ của dân tộc.
Những chiến công hiển hách của thương binh nặng Lê Hữu Trạc (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), trong chiến đấu giữ đảo Cồn Cỏ đã cùng với đơn vị tiêu diệt nhiều phương tiện, vũ khí, khí tài của quân địch. Về địa phương, ông Trạc tham gia làm Chủ tịch Hội người mù tỉnh Quảng Bình và đã có nhiều đóng góp, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp.
Một trong 44 đại biểu nữ thương binh nặng là bà Nguyễn Thị Thanh Hoài (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Sớm giác ngộ và tham gia phục vụ cách mạng từ năm 12 tuổi, bà Hoài là đội phó đội thiếu niên tiền phong thôn 4 xã Điện Trung, lập rất nhiều thành tích trong công cuộc kháng chiến và bị thương nặng trong một lần bị địch phục kích. Hiện nay, tuy thị lực bị suy giảm, nhưng bà Hoài vẫn vượt qua mọi khó khăn thách thức trong cuộc sống để chăm lo cho gia đình cũng như hoạt động cộng đồng.
Trong 500 đại biểu, có rất nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như thương binh nặng Hoàng Văn Tuyên (phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Trở về với cuộc sống đời thường, ông đã không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình kinh doanh và trở thành giám đốc công ty may, giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động, trong đó phần nhiều là con em thương binh, gia đình chính sách. Công ty có doanh thu hàng năm hàng chục tỷ đồng, một phần trong đó ông Tuyên dành đóng góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tại địa phương.
Cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được cải thiện. Đến nay, 98,5% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa thể bằng lòng, phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa chăm sóc đời sống cho người có công. Cả nước còn một bộ phận thương binh, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng có cuộc sống còn khó khăn; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình người có công vì nhiều lý do khác nhau chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi... Đây là những điều day dứt với người có công, cần được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương phải đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở... trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Phấn đấu hết năm 2019, các địa phương không còn hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác này thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thế hệ trẻ…
“Nâng cao chất lượng các phong trào, chính sách hậu phương quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’; đẩy mạnh các chương trình nhà tình nghĩa, nhà đồng đội… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội. Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.