Tuyển eSports đoạt 4 HCV ASIAD 19 dù Trung Quốc duy trì chính sách khắc nghiệt với game
Trung Quốc đã giành được 4 huy chương vàng (HCV) thể thao điện tử (eSports) trong số 7 trận đấu tại Đại hội thể thao châu Á 2023 (ASIAD 19) ở thành phố Hàng Châu.
Điều này mang lại động lực tinh thần cho những người hâm mộ Trung Quốc đối với game, vốn khao khát được công nhận sở thích của mình vào bối cảnh chính quyền kiểm soát chặt chẽ ngành này.
Hàng chục ngàn thanh niên Trung Quốc, một số đi cùng cha mẹ, đã đổ về Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc) để cổ vũ cho các đội thi đấu game, vốn bị truyền thông nhà nước Trung Quốc dán nhãn là “thuốc phiện tâm linh”. Chứng nghiện chơi game của giới trẻ được coi là một “vấn đề xã hội” ở Trung Quốc, dẫn đến hạn chế với người chơi dưới 18 tuổi chỉ được đăng nhập vào tài khoản chơi game tối đa 3 giờ mỗi tuần.
Thế nhưng, tại Trung tâm Thể thao điện tử Hàng Châu được xây dựng dành cho sự kiện vào cuối tuần qua, tâm trạng khán giả lại khác.
Đến từ thành phố Chư Kỵ ở tỉnh Chiết Giang để xem trận đấu Liên minh Huyền thoại của đội tuyển Trung Quốc, Jin Kaijie cho biết: “Các trận đấu rất thú vị”. Tựa game này được tạo ra bởi studio Riot Games có trụ sở tại Mỹ nhưng được điều hành bởi gã khổng lồ game Tencent (Trung Quốc) tại địa phương, với một lượng người hâm mộ khổng lồ tại quốc gia này.
Jin Kaijie (24 tuổi) cho biết anh đã hâm mộ Liên minh Huyền thoại kể từ khi Tencent tổ chức giải đấu chuyên nghiệp cho game này tại Trung Quốc vào năm 2013.
Các đội tuyển quốc gia Trung Quốc đã giành HCV game Arena of Valor, Peacekeeper Elite, Dream Three Kingdoms 2 và Dota 2 tại ASIAD 19, cũng như huy chương đồng Liên minh Huyền thoại. Thể thao điện tử hóa ra là một trong những sự kiện nổi tiếng nhất tại ASIAD 19 và là chủ đề được thảo luận rộng rãi nhất trên mạng xã hội Trung Quốc vài tuần qua.
Thể thao điện tử là giải đấu duy nhất ở Hàng Châu triển khai hệ thống xổ số mua vé do nhu cầu rất lớn, khi người hâm mộ Trung Quốc đổ xô đăng ký chỗ ngồi để xem các sự kiện. Sau khi Trung Quốc giành HCV môn Dota 2 trong trận đấu kéo dài 4 giờ với Mông Cổ vào tối 2.10, sự kiện này nhanh chóng vượt qua việc đội tuyển nước này có HCV môn bóng bàn để trở thành chủ đề thịnh hành hàng đầu trên Weibo.
“Thật may mắn khi giành được một suất xem trận đấu Peacekeeper Elite”, theo Pu Guanlin, nam sinh 17 tuổi ở thành phố Côn Minh phía tây nam Trung Quốc đến Hàng Châu cùng bố mẹ. Điều đáng nói khi đây là lần đầu tiên nhiều người Trung Quốc biết đến thể thao điện tử.
Vào sáng 30.9, Zhao Zhengjie đã đưa cậu con trai 11 tuổi của mình đi xem cuộc thi Peacekeeper Elite, một phiên bản của PUBG Mobile, vì người đàn ông 40 tuổi gốc Hàng Châu cho biết đây là “cơ hội rất hiếm có” để người bản địa ủng hộ việc ra mắt thể thao điện tử như sự kiện tranh huy chương tại ASIAD.
Bất chấp những hạn chế chính thức với ngành, Hàng Châu đang đặt cược vào các cuộc thi game để tạo ra sự phấn khích và thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm hơn.
Tháng 11.2022, chính quyền Hàng Châu đã cam kết tài trợ 100 triệu nhân dân tệ (14 triệu USD) hàng năm cho game và thể thao điện tử. Kể từ năm ngoái, Trung tâm Thể thao điện tử Hàng Châu đã tổ chức các cuộc thi chuyên nghiệp do Tencent và đối thủ NetEase tài trợ, một xu hướng có vẻ sẽ tiếp tục ngay cả sau khi ASIAD 19 kết thúc.
Sự phổ biến của thể thao điện tử đã vượt quá sự mong đợi của họ. Theo một nhân viên làm việc tại cửa hàng bán đồ thể thao điện tử của sân vận động, hầu như tất cả hàng hóa liên quan đến eSports đã được bán hết trong vài ngày đầu tiên.
Thể thao điện tử, giống như bất kỳ môn thể thao truyền thống nào khác, giờ đây đã trở thành niềm tự hào dân tộc ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, 9 ngày thi đấu không chỉ có tiếng reo hò và tiếng vỗ tay.
Đội tuyển Liên minh Huyền thoại Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ giành lại HCV kể từ lúc chiến thắng trong trận đấu trình diễn tại ASIAD 18 ở Jakarta (thủ đô Indonesia), lại không thể tiến vào trận chung kết sau khi thua Hàn Quốc 0-2. Những người hâm mộ Trung Quốc đã tìm đến phương tiện truyền thông xã hội để trút bỏ sự thất vọng của họ.
“Thật đáng tiếc khi chúng tôi không nghe quốc ca của mình mà là quốc ca Hàn Quốc vào đêm trước Tết Trung thu”, người dùng có biệt danh Douyou viết trên diễn đàn trực tuyến Douban (Trung Quốc).
Sunyee Liu (22 tuổi), đến từ thành phố Thâm Quyến, cho biết thất bại này sẽ làm giảm niềm đam mê thi đấu game chuyên nghiệp của cô trong tương lai.
Với một số người hâm mộ trẻ tuổi, những hạn chế của Trung Quốc với game đã trở nên quá khắc nghiệt.
Zhao Zhengjie nói ông cho phép con trai chơi game, đặc biệt là Honor of Kings và Peacekeeper Elite, sau giờ học. “Thời thế đang thay đổi và con tôi đang phải đối mặt với một thế giới thú vị hơn so với khi tôi còn trẻ”, Zhao Zhengjie nói. Ông cho biết thêm rằng thời gian chơi game của trẻ em không nên “vượt quá một mức độ nhất định”.
Tuy nhiên, Pu Guanlin cho biết cậu hy vọng các quy định có thể được nới lỏng trong tương lai. “Tôi sẽ học vào mỗi tối thứ Sáu và sẵn sàng đi học lại vào tối Chủ nhật. Điều đó có nghĩa là tôi chỉ có thể chơi một giờ mỗi tuần vào thứ Bảy. Sẽ tốt hơn nếu họ có thể nới lỏng khung thời gian để ít nhất tôi có thể chơi ba giờ một tuần”, nam sinh trung học nói.