Tuyển Nhật Bản bị giải mã

Lối chơi khoa học và kỷ luật giúp tuyển Australia chặn đứng mạch toàn thắng ấn tượng của Nhật Bản ngay trên xứ sở mặt trời mọc.

 Nhật Bản trải qua trận đấu vất vả trước Australia.

Nhật Bản trải qua trận đấu vất vả trước Australia.

22 ngày trước, không lâu sau khi Australia để Indonesia cầm hòa 0-0 dẫn đến việc HLV Graham Arnold phải từ chức, Tony Popovic trở thành thuyền trưởng mới của "Socceroos". Trong ngày ra mắt, HLV Tony Popovic nói rõ một điều: "Thắng xấu xí cũng tốt".

Và mặc dù ông không thể giành trọn vẹn ba điểm vào tối 15/10 tại Saitama, trận hòa 1-1 ở loạt trận thứ tư bảng C vòng loại thứ ba World Cup 2026 được xem như thành công với Australia.

Chiến thuật dựng xe buýt

Chuỗi trận hoàn hảo của Nhật Bản tại vòng loại World Cup 2026 bị chặn đứng. Trước khi tiếp đón Australia tại Saitama, "Samurai xanh" chơi 9 trận ở vòng loại World Cup 2026, thắng cả 9 và không để thủng lưới bàn nào. Ngay cả Saudi Arabia cũng không thể cản Nhật Bản ở lượt trước.

Trên sân Saitama, Australia mở tỷ số trước dù không cần tung ra một cú sút trúng đích nào. Đường tạt bóng theo bài của Australia khiến trung vệ Taniguchi lúng túng phản lưới nhà. Ngay cả các cầu thủ đội khách cũng bất ngờ trước bàn mở tỷ số.

Cả trận, "Socceroos" chỉ tung ra đúng một pha dứt điểm (không trúng đích) về phía khung thành Nhật Bản. Thế nhưng, họ vẫn ghi được bàn thắng. Đó là vẻ đẹp của bóng đá. Cho dù sau trận, trung phong chủ lực của Australia, Mitch Duke, thừa nhận rằng "lối chơi của chúng tôi trước Nhật Bản không đẹp mắt".

"Cả đội biết rằng chúng tôi chỉ cần lùi sâu, phòng ngự thật tốt và sẵn sàng chơi rắn, tận dụng sức mạnh về mặt thể lực", Duke nói thêm. Trong đội hình Australia, không ai hiểu bóng đá Nhật Bản hơn Duke. Anh chơi bóng ở J1 League được 4 năm.

Tuy nhiên, chân sút 33 tuổi chỉ nằm trong nhóm những ngôi sao hạng B ở giải VĐQG Nhật Bản. Anh sắm vai trò dự bị ở Machida Zelvia mùa này. Điều đó phản ánh phần nào sự chênh lệch về lực lượng giữa Nhật Bản và Australia ở thời điểm hiện tại.

Bóng đá Australia giờ thua kém Nhật Bản về giá trị đội hình, số lượng lẫn chất lượng các cầu thủ thi đấu ở những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu.

 Australia giờ ở thế cửa dưới khi so với Nhật Bản.

Australia giờ ở thế cửa dưới khi so với Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong một trận đấu cụ thể, chiến thuật, sự kỷ luật và tinh thần thi đấu mới là điều quan trọng nhất. Australia cuối cùng chấm dứt chuỗi 868 phút không thủng lưới trong suốt vòng loại của Nhật Bản.

Thậm chí cho đến trước khi Cameron Burgess đá phản lưới giúp Nhật Bản gỡ hòa 1-1 ở phút 76, người hâm mộ xứ chuột túi đã mơ về một chiến thắng.

Nhật Bản chơi đơn điệu

Nhật Bản chơi thăng hoa từ đầu năm, nhưng họ không phải đội bóng bất khả chiến bại. Hai trận thua trước Iraq hay Iran tại Asian Cup 2024 phơi bày nhiều hạn chế trong lối chơi của "Samurai xanh".

Trước Australia, Nhật Bản dễ dàng chiếm ưu thế về quyền kiểm soát bóng, nhưng họ thiếu những đường chuyền quyết định hoặc các pha dứt điểm đủ gây sát thương cho đối thủ. Hàng thủ 5 người của Australia chơi chắc chắn và đẩy lùi những pha phối hợp đơn điệu từ Nhật Bản.

HLV Hajime Moriyasu rõ ràng chưa thể tìm ra lời giải cho bài toán "khoan cắt bê tông" của tuyển Nhật Bản. Trước một đối thủ giàu kinh nghiệm, sở hữu thể hình và thể lực tốt như Australia, các bài tấn công của Nhật Bản trở nên vô hại.

Cả trận, "Samurai xanh" chỉ tung ra ba cú sút trúng đích. Việc thiếu một trung phong thực thụ, giỏi chơi quay lưng và làm tường một lần nữa khiến Nhật Bản gặp khó.

Trận hòa này không làm ảnh hưởng quá nhiều đến ngôi vị nhất bảng và cơ hội giành vé của Nhật Bản, nhưng nó cho thấy lối chơi "Samurai xanh" không hoàn hảo như người ta tưởng. Khi phải đối đầu một đội bóng có đẳng cấp, chủ động dựng xe buýt như Australia, Nhật Bản liền lúng túng.

Tường Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/tuyen-nhat-ban-bi-giai-ma-post1504391.html