Tuyển nữ Việt Nam tranh vé tới Olympic với Australia
Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp Australia ở vòng play-off tranh vé tới Olympic 2020 sau khi đối thủ này hòa Trung Quốc 1-1 để đứng đầu bảng B.
Đội tuyển nữ Việt Nam sớm vượt qua vòng loại thứ ba sau trận thắng Myanmar. Với ngôi nhì bảng A, thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ gặp đội đứng nhất bảng B.
Ngày 13/2, sau trận đấu giữa Australia và Trung Quốc, đối thủ của chúng ta ở vòng play-off mới được xác định. Australia thực sự là ngọn núi cao và không dễ để nhà vô địch AFF Cup nữ vượt qua.
Đối thủ đẳng cấp thế giới
Trong khi đội tuyển nữ Việt Nam nhiều năm đứng đầu khu vực Đông Nam Á nhưng chưa thể vươn ra đấu trường thế giới, nữ Australia thường xuyên góp mặt tại giải World Cup nữ, dù với tư cách đại diện châu Đại Dương hay châu Á.
Sau 8 lần giải Vô địch Bóng đá nữ Thế giới được tổ chức, Australia góp mặt 7 lần. Dù không đạt danh hiệu cao, việc góp mặt liên tục ở giải đấu dành cho 24 đội bóng đá nữ mạnh nhất thế giới cho thấy đẳng cấp của "Matildas".
Năm 2006, Liên đoàn Bóng đá Australia (FFA) chuyển sang Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) từ châu Đại Dương, nhưng đến 2013, họ mới chính thức gia nhập Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF). Sự chênh lệch trình độ giữa đội bóng này với các thành viên của AFF là rất lớn. Vì vậy, họ chỉ được phép cử đội U20 nữ tham gia AFF Cup nữ.
Dù chỉ là đội trẻ, trình độ U20 Australia không thua kém các đàn chị trong khu vực. Năm 2018, đội tuyển nữ U20 Australia đánh bại thầy trò HLV Mai Đức Chung 4-2 ở bán kết AFF Cup nữ, trước khi để thua Thái Lan và giành HCB. Năm 2016, họ về đích thứ 4 sau thất bại trước Myanmar ở trận tranh HCĐ.
Ở bảng xếp hạng FIFA, Việt Nam và Thái Lan, hai đội bóng vô địch Đông Nam Á nhiều nhất, lần lượt đứng thứ 32 và 38 thế giới. Australia dù mới một lần lên ngôi năm 2008, hiện đứng thứ 7 thế giới.
Trình độ vượt trội
Ở cấp độ khu vực, Australia chỉ được cử đội trẻ tham dự nhưng gây không ít khó khăn cho tuyển nữ Việt Nam và những đội bóng còn lại. Ở các giải đấu lớn hơn, chưa bao giờ tuyển nữ Việt Nam được xem là đối thủ ngang tầm và có thể gây khó dễ cho các cô gái đến từ bên kia đại dương.
Từ 2010 tới nay, chỉ tính ở cấp đội đội tuyển quốc gia, nữ Việt Nam gặp đối thủ 7 trận và toàn thua. Họ chỉ ghi được 2 bàn thắng nhưng để lọt lưới tới 40 lần. Tháng 4/2018, thầy trò HLV Mai Đức Chung thất bại 0-8 ở vòng chung kết Asian Cup nữ, trước khi tiếp tục thất bại tại AFF Cup nữ trước U20 Australia.
Cũng trong năm này, họ từng thắng đương kim á quân thế giới và cũng là nhà vô địch World Cup nữ 2015 Nhật Bản với tỷ số 2-0, trước khi hòa đương kim vô địch Mỹ 1-1.
Từ 2006, khi FFA gia nhập AFC, tuyển nữ Australia chưa bao giờ vắng mặt tại vòng bán kết Asian Cup nữ. Họ giành 3 HCB, một chức vô địch và một lần về đích thứ 4 sau 5 lần tham dự. Hai giải gần nhất hồi 2015 và 2019, Australia đều thất bại trước Nhật Bản với tỷ số 0-1 ở trận chung kết. Trong khi đó, tuyển nữ Việt Nam chưa bao giờ vượt qua vòng bảng sau 8 lần dự giải.
Ở cấp độ thế giới, họ có bốn lần vào tới tứ kết ở các năm 2007, 2011, 2015 và 2019. Năm ngoái, nữ Australia còn đánh bại Brazil, đội bóng giàu thành tích nhất, với tỷ số 3-2 tại vòng bảng. Đội tuyển nữ Việt Nam chưa thể lần nào góp mặt tại sân chơi World Cup nữ.
Một ví dụ khác cho thấy trình độ chênh lệch. Tuyển nữ Thái Lan, đối thủ nhiều duyên nợ của Việt Nam, hai lần tham dự World Cup nữ (2015 và 2019) đều nhận những thất bại nặng nề với 30 bàn thua và chỉ có một trận thắng. Australia vượt qua vòng bảng ở cả hai giải đấu với ngôi nhì bảng.
Đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có hai trận play-off tranh suất tham dự Olympic 2020 trước Australia vào tháng 3. Ngày 6/3, thầy trò HLV Mai Đức Chung làm khách trước đối thủ. Sau đó, hai đội tái đấu tại Việt Nam. Đội thắng giành một trong hai tấm vé còn lại đại diện châu Á tham dự Thế vận hội mùa hè vào tháng 7.