Tuyển Pháp tan tành sau thất bại cay đắng ở EURO 2020
Nội bộ tuyển Pháp rạn nứt nghiêm trọng sau trận thua cay đắng trước Thụy Sĩ ở vòng 1/8.
Được đánh giá là ứng viên số 1 cho chức vô địch, nhưng tuyển Pháp bất ngờ chia tay EURO 2020 từ vòng 1/8. Pháp dẫn trước Thụy Sĩ 3-1 đến những phút cuối cùng, trước khi thủng lưới liền 2 bàn và thua trên chấm luân lưu.
Phản ứng của các cầu thủ sau trận thua còn khiến CĐV buồn lòng hơn. Paul Pogba và đồng đội chê bai, chỉ trích nhau, làm lộ ra hình ảnh chia rẽ nội bộ sâu sắc của tuyển Pháp.
"Hố đen" Pogba
Pogba là cầu thủ gây tranh cãi nhất của Pháp ở trận này. Siêu sao của Manchester United lập siêu phẩm vào lưới Thụy Sĩ, là chủ nhân của hàng loạt đường chuyền nguy hiểm cho đồng đội ghi bàn. Pogba là cầu thủ nổi bật nhất của Pháp ở EURO 2020, nhưng anh cũng là nguyên nhân khiến Pháp bại trận.
Trong tình huống cầm bóng ở phút 90, Pogba bị 4 cầu thủ Thụy Sĩ bao vây. Thay vì xử lý đơn giản là chuyền quả bóng cho Moussa Sissoko bên phía cánh phải, Pogba cố gắng tự xoay sở và mất bóng. Thụy Sĩ phản công, và Mario Gavranovic đã ghi bàn gỡ 3-3 cho đội bóng của HLV Vladimir Petkovic.
Pha xử lý kém cỏi khiến Pogba bị chê bai sau trận. Theo cây bút Sebastien Tarrago của nhật báo nổi tiếng L'Equipe, Pogba đã to tiếng với HLV Deschamps. Trong khi "thuyền trưởng" tuyển Pháp yêu cầu học trò đá an toàn để bảo vệ tỷ số 3-1, Pogba muốn tiếp tục tấn công. Cả hai tranh cãi dữ dội trước sự chứng kiến của toàn đội.
Thái độ thi đấu của Pogba cũng khiến đồng đội khó chịu. Ngôi sao trị giá 89 triệu bảng bị Adrien Rabiot chê trách vì lười biếng hỗ trợ phòng ngự.
Ngoài ra, Raphael Varane cũng mắng Benjamin Pavard vì mắc lỗi trong bàn thua. Pavard phân trần: "Anh nói đúng, nhưng tôi không được Pogba hỗ trợ". Varane sau đó chất vấn Pogba. Cầu thủ số 6 nổi giận, tìm đến Pavard và yêu cầu anh nhắc lại những gì đã nói với Varane.
"Những mâu thuẫn, xích mích của cầu thủ Pháp diễn ra trong cả trận. Pogba đã trình diễn những điểm mạnh nhất ở EURO 2020, nhưng đóng góp của anh ấy trong khâu phòng ngự là thảm họa", Tarrago nhấn mạnh.
Tương lai xám xịt
Thất bại ở EURO 2020 không phải thảm họa với Pháp. Nếu vực dậy tinh thần, "Les Bleus" còn rất nhiều cơ hội làm lại, gần nhất là kỳ World Cup sau đây 1 năm, nơi thầy trò Deschamps đang là đương kim vô địch.
Pháp vẫn có dàn cầu thủ đáng nể. Thành công ở World Cup 2018 cho thấy chỉ cần các ngôi sao Pháp đoàn kết và tập trung đá bóng, "Les Bleus" rất khó bị ngăn cản. Vấn đề cản trở Pháp trong gần hai thập kỷ là sự chia rẽ, bất hòa nội bộ do tuyển Pháp đa sắc tộc và có rất nhiều cá tính.
Việc sở hữu nhiều cái tôi trong đội bóng là con dao hai lưỡi. Một mặt, tập thể giàu cá tính luôn biết cách vượt khó, nhưng mặt khác, xung đột nội bộ dễ xảy ra nếu HLV không kiểm soát được phòng thay đồ.
Tuyển Anh từng tan vỡ ở World Cup 2010 khi nhóm cầu thủ chơi cho Manchester United và Liverpool xảy ra mâu thuẫn. HLV Fabio Capello nổi tiếng hà khắc và kỷ luật, nhưng cũng không thể kìm được cái tôi quá lớn của các học trò.
Tây Ban Nha từng bị chia rẽ bởi nhóm Barcelona và nhóm Real Madrid, song cố HLV Luis Aragones và Vicente del Bosque sau đó làm chủ rất tốt tình hình, giúp Tây Ban Nha có 4 năm thống trị thế giới (2008-2012).
Trở lại với vấn đề của tuyển Pháp. Trước giải đấu, Kylian Mbappe và Olivier Giroud từng xảy ra mâu thuẫn, bắt đầu từ phát biểu bóng gió về việc không được đồng đội chuyền bóng của Giroud. Mbappe sau đó nổi giận, đòi tổ chức họp báo làm rõ mọi chuyện. Dù Giroud cố gắng làm hòa, nhưng Mbappe vẫn khó chịu với đồng đội.
Không rõ mâu thuẫn nói trên ảnh hưởng thế nào đến Mbappe, song tại EURO 2020, tiền đạo 23 tuổi không ghi được bàn nào, bỏ lỡ tới 6 cơ hội ở trận gặp Thụy Sĩ và đá hỏng quả luân lưu quyết định khiến Pháp bị loại.
11 năm trước, Pháp của HLV Reymond Domenech từng chứng kiến "thảm họa Knysna". Ở World Cup 2010 trên đất Nam Phi, các cầu thủ Pháp đồng loạt "bật" Domenech, khi HLV này đuổi Nicolas Anelka về nước vì thái độ tập luyện.
Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) gọi hành động của các cầu thủ là nỗi ô nhục. Sau đó, Patrice Evra cùng đồng đội soạn tối hậu thư phản đối FFF, rồi yêu cầu HLV Domenech đứng đọc trước buổi tập ở Knysna. Sự việc chấn động này trở thành vết nhơ không thể xóa bỏ trong lịch sử bóng đá Pháp.
Giữa năm 2010, tuyển Pháp cải tổ. HLV Laurent Blanc lên nắm quyền, loại bỏ công thần để trao niềm tin cho các cầu thủ đang ở độ chín như Karim Benzema, Samir Nasri, Hatem Ben Arfa, Jeremy Menez,... HLV Deschamps tiếp quản đội tuyển sau đó, rồi đưa Pháp lên đỉnh cao World Cup 2018.
Sau 11 năm, ám ảnh rạn nứt nội bộ lại hiện về. Nếu HLV Deschamps không giải quyết ổn thỏa, Pháp có thể rơi vào chu kỳ đen tối, mờ mịt một lần nữa.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/noi-bo-tuyen-phap-tan-tanh-sau-that-bai-cay-dang-o-euro-2020-ar621611.html