Tuyển quân ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An: Tạo điều kiện tốt nhất cho công dân tham gia khám tuyển

Phần lớn thanh niên dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số phía Tây của tỉnh Nghệ An đi làm ăn xa ở các tỉnh khác. Hội đồng nghĩa vụ quân sự (HĐNVQS) các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp để họ chủ động, tự nguyện trở về quê tham gia khám tuyển, bảo đảm khách quan, chặt chẽ, công bằng, đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

Công tác tuyển quân tại các huyện vùng cao, biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương... gặp không ít khó khăn. Trong đó phải kể đến các yếu tố như các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên lớn, dân cư phân bố không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn, công dân trong độ tuổi nhập ngũ chủ yếu là người dân tộc thiểu số, phần lớn đều rời quê đi làm ăn xa.

 Công tác khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương được tổ chức chặt chẽ.

Công tác khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương được tổ chức chặt chẽ.

Từ thực tế đó, HĐNVQS các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai linh hoạt các biện pháp để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân được giao. Thượng tá Nguyễn Xuân Đại, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tương Dương cho biết: “Ngay sau khi hoàn thành việc giao, nhận quân năm 2023, chúng tôi đã tổ chức chỉ đạo HĐNVQS các xã, thị trấn khảo sát nguồn cho năm tiếp theo. Từ đó lên danh sách sơ bộ, tổ chức tuyên truyền về Luật Nghĩa vụ quân sự, các nghị định liên quan, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân khi tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Các địa phương cũng thiết lập giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình, công dân trong độ tuổi nhập ngũ đang làm ăn xa để nhắc nhở họ nhớ thời gian quy định trở về khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Các bước tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024 tại địa phương đang được triển khai bảo đảm khách quan, chặt chẽ”.

Quá trình khám tuyển, các địa phương cũng tiến hành nhiều biện pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho công dân tham gia. Cụ thể như việc tổ chức khám sơ tuyển vào các ngày nghỉ cuối tuần, huy động nguồn kinh phí hỗ trợ ăn, nghỉ cho công dân ở địa bàn cách trở, đi làm ăn xa trở về. Trong điều kiện cần thiết, HĐNVQS các địa phương cũng gửi công văn đến các xí nghiệp, nhà máy nơi công dân đang làm việc, đề nghị họ tạo điều kiện để con em được về quê thực hiện nghĩa vụ công dân. Thực tế cho thấy, trong các đợt khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự tại các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Nghệ An, nhiều công dân chỉ về quê 1-2 ngày, sau khi hoàn thành đã nhanh chóng trở lại nơi làm việc. Những công dân đã qua vòng sơ tuyển cũng cam kết đến thời điểm khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại tuyến huyện sẽ sắp xếp thời gian để trở về tham gia.

Trong đợt tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024, huyện Quế Phong được giao 105 chỉ tiêu, tính đến ngày 20-11, HĐNVQS 13 xã, thị trấn đã hoàn thành khám sơ tuyển cho 726 công dân trong độ tuổi quy định. Qua khám sơ tuyển đã lựa chọn được 426 người đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe, trình độ để tiếp tục khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại tuyến huyện. Một điều đáng chú ý, có 419/426 công dân vượt qua vòng khám sơ tuyển trên địa bàn huyện Quế Phong là người dân tộc thiểu số, trong đó có 52 người viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự. Đại úy Quang Văn Du, Trợ lý Quân lực, Ban CHQS huyện Quế Phong cho biết: “Mặc dù là huyện vùng cao, biên giới, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nhìn chung còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ tại địa phương trong những năm qua luôn nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở số lượng công dân đã vượt qua đợt khám sơ tuyển tại các xã, thị trấn, đơn vị, chúng tôi tin rằng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân của năm 2024”.

Xã Quang Phong, huyện Quế Phong có 13 công dân viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2024. Trao đổi với chúng tôi, ông Lang Văn Lương, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, công dân trên địa bàn đều ý thức tốt việc tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi thanh niên. Nhiều người đã viết đơn tình nguyện với mong muốn vượt qua đợt khám tuyển, được tuyển chọn nhập ngũ”.

Tại xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, anh Lô Văn Tú, sinh năm 2003, người dân tộc Thái, là một trong những công dân đã viết đơn tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự và vượt qua đợt khám sơ tuyển tại xã. Được biết năm trước, Tú đã trúng tuyển vào Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế nhưng trong thâm tâm luôn khao khát được trở thành một quân nhân. Từ đó, anh đã xin tạm dừng việc học tập tại trường và trở về viết đơn tình nguyện, tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Lô Văn Tú chia sẻ: “Tôi luôn mơ ước được khoác lên mình bộ quân phục của Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sĩ. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện, thực hiện tốt nhiệm vụ và phấn đấu thi đỗ vào một trường sĩ quan để phục vụ Quân đội lâu dài”.

Bài và ảnh: VIẾT LAM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tuyen-quan-o-vung-dan-toc-thieu-so-tinh-nghe-an-tao-dieu-kien-tot-nhat-cho-cong-dan-tham-gia-kham-tuyen-754710