Tuyên Quang chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động
Giải quyết việc làm là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nghèo bền vững mà tỉnh Tuyên Quang đã triển khai.
Những kết quả nổi bật
Trong thời gian qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã được các cấp, các ngành triển khai với nhiều giải pháp như tạo việc làm tại chỗ bằng việc khuyến khích, hỗ trợ các điều kiện để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Phát triển du lịch gắn với các lễ hội và nghỉ dưỡng; tăng cường hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ thông tin việc làm, giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp và đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
Chị Hoàng Thị Thủy ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), đầu năm 2024, sau khi tham gia phiên giao dịch việc làm tại thành phố Tuyên Quang đã tìm được việc làm trong lĩnh vực may mặc ở khu công nghiệp Long Bình An. Chị cho biết, mức thu nhập trung bình hiện nay hơn 6 triệu đồng/tháng đã giúp gia đình chị vơi đi nhiều khó khăn. Có việc làm đã giúp gia đình chị nâng cao chất lượng cuộc sống, có thêm vốn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khác với chị Thủy, gia đình chị Nguyễn Thị Bình, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) đã hoàn tất các thủ tục cho con gái đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Con chị làm nghề đóng gói thực phẩm cho một công ty chế biến, kinh doanh thực phẩm của Nhật Bản đã được hơn 2 năm, công việc thuận lợi. Mỗi tháng, con chị gửi về nhà cho gia đình được 25 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đó, cuộc sống của gia đình đã được nâng lên, chị dự định mở mang ngành nghề để làm giàu chính đáng.
Nhằm hỗ trợ người dân nắm bắt được thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc đã thu hút đông đảo người lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm.
Ông Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức được 5 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm trực tiếp và trực tuyến tại các huyện và thành phố thu hút gần 2.000 người tham gia. Kế hoạch năm 2024, Trung tâm sẽ tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại các xã, thị trấn, trong đó ưu tiên tổ chức tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Qua đó giúp người lao động nắm được các thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng lao động vào làm việc.
Tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang); chế biến gỗ, chế biến nông sản ở cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa), Yên Sơn; chế biến khoáng sản, chế biến chè, may mặc ở khu công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương); sản xuất linh kiện điện tử, nông sản xuất khẩu ở cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)… Qua đó mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới.
Từ nhiều giải pháp được triển khai, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 25.953 lao động, đạt hơn 116% kế hoạch năm. Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 5.900 lao động. Trong đó, có 3.659 lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh; 2.025 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước; xuất khẩu lao động 236 người.
Đồng bộ các giải pháp
Hiện nay, các cấp các ngành trong tỉnh đang tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp tạo việc làm mới với quyết tâm hoàn thành mục tiêu năm 2024 giải quyết việc làm cho 22.550 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,5%, trong đó tỷ lệ có bằng, chứng chỉ là 28%.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp tiếp tục được triển khai. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tích cực phối hợp các địa phương tiến hành rà soát nhu cầu học nghề, đào tạo nghề và việc làm của người lao động để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp; chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh nâng cao chất lượng đào tạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tổ chức các lớp học nghề theo địa chỉ, giúp nâng cao tỷ lệ học viên học xong có việc làm ngay.
Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, 100% học viên khi học nghề tại trung tâm được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp. Trước khi mở các lớp đào tạo nghề Trung tâm đều khảo sát theo nhu cầu người học và gắn với nhu cầu xã hội hiện nay đang cần để nâng cao tỷ lệ học viên có việc làm ngay sau khi học xong.
Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động tham gia thị trường lao động; đổi mới công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh các giải pháp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm tại chỗ thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội…
Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, đưa Tuyên Quang thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.