Tuyên Quang không chỉ có Tân Trào
Lâu nay, cứ tưởng du lịch Tuyên Quang chỉ có Tân Trào, di tích quốc gia đặc biệt và các di tích cách mạng khác. Đoàn khảo sát kích cầu nội địa do Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ 20 – 26/7 làm ngạc nhiên các doanh nghiệp tham gia với nhiều bất ngờ thú vị về Tuyên Quang.
Nốt nhạc trầm - Thành cổ nhà Mạc
Nhà Mạc (1527 – 1677). Từ 1592 nhà Mạc rút lên Việt Bắc, cho xây thành bên bờ sông Lô, án ngữ và khống chế giao thông thủy bộ. Thành hình vuông, rộng gần 8 ha, tường cao 3m5, dày 0m8. Mặt thành có vành bán nguyệt, giữa là cửa, trên xây tháp, mái ngói. Trong có đường nhỏ để tiếp đạn, bao quanh bởi hào sâu.
Gạch xây thành khổ lớn, làm bằng đất có quặng sắt nên rất rắn (đặc trưng gạch thời Lê). Trong thành có đắp núi Đất (Thổ Sơn) cao 50 m, dốc đứng với 193 bậc đá dẫn lên đỉnh. Thành và núi chỉ làm trong một đêm. Đầu đời Nguyễn, thành được sửa chữa, gia cố thêm bằng gạch nhỏ.
Trải qua nhiều biến động và đô thị hóa, thành xuống cấp với các tuyến đường chia cắt. Chỉ còn lại một phần dấu vết xưa với hai cổng thành phía Tây và phía Nam đổ nát, cùng đoạn tường thành dài chưa đến 100m. Tiếc là dấu tích của cố đô nhà Mạc gắn với giai thoại “Gái Tuyên” xinh đẹp, nổi tiếng nhất vùng chưa được tận dụng.
Đáng buồn hơn, hầu như toàn bộ cây cổ thụ, các dấu tích rêu phong hơn 400 năm lịch sử in dấu trên cổ thành được dọn sạch do "phun hóa chất diệt cây dại". Vẻ đẹp hoang phế, phong sương được thay bằng đá ong và gạch thẻ mới, trét vữa trắng. Hình dáng cổng thành thay đổi, thấp hơn so với trước…Bài học đắt giá cho việc trùng tu di tích.
Ngỡ ngàng với Hồ Na Hang
Na Hang là huyện, cũng là tên hồ thủy điện ở Tuyên Quang, nằm trên sông Gâm, công suất 342 MW với 3 tổ máy; khởi công 2002, hoàn thành 2007. Hồ rộng trên 8.000 ha, gấp hơn 12 lần hồ Ba Bể; giáp 4 tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang; cách trung tâm Tuyên Quang 108 km, bao bọc bởi chập chùng núi và rừng nguyên sinh.
Na Hang như sơn nữ đằm thắm, tự tin vì sắc đẹp khác lạ. Tôi không thích các mỹ từ thiên hạ đang gán cho Na Hang như “Hạ Long cạn”, “Hạ Long trên núi”…Na Hang là Na Hang, viết chính xác là Nà Hang - nghĩa là ruộng cuối, ruộng dưới thung lũng ở Tuyên Quang và Việt Nam chỉ có một.
Na Hang mùa nào cũng đẹp, quanh năm mây sà tán tỉnh. Mùa nắng, nước rút cả chục mét, lộ đường viền ngộ nghĩnh quanh hồ. Có đến hàng chục thác nhỏ, chưa ai đặt tên, rải rác đổ ra hồ, dân bản địa gọi là khe. Có thác như rồng trắng (Bạch Long) đang bay. Có thác như rắn trắng (Bạch Xà) đang lượn. Có thác như dải lụa, mái tóc, thanh kiếm. Có thác đơn, thác đôi, thác ba… khoe nhau tạo dáng.
Nhiều bãi đá lạ mắt tựa công viên kỷ Jura và các loài thú như đang từ hồ trốn lên rừng. Hồ có nhiều dáng núi độc. Lạ nhất là Vài Phạ, tiếng Tày gọi là “Cọc buộc trâu trời” với câu chuyện “Chàng Tài Ngao khổng lồ chăm chỉ; bị kẻ xấu lừa, vô tình làm mẹ chết. Nước mắt chàng chày thành sông. Vài Phạ là cọc buộc trâu của chàng”. Nhìn Vài Phạ, tôi liên tưởng tới Linga của Thủy Thần trong cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh huyền thoại.
Hùng vĩ nhất là dãy Thiên Mã Sơn. Cứ như hàng ngàn chiến mã đang tung vó mù mịt trong cuộc chiến chống Nguyên Mông xưa. Đẹp nhất là núi Pác Tạ, cao nhất Na Hang, nơi hợp lưu giữa sông Gâm và sông Năng. Tương truyền, dân ở Na Hang xưa dùng rượu thuần thục con voi dữ. Sau khi thắng trận, trong tiệc khao quân, voi uống 5 nậm rượu lớn rồi hóa đá. Núi có đền Pác Tạ thờ phụng và ngưỡng vọng hôn thê của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 – 1330).
Núi Nàng Tiên - Chú Khách kể về cô gái đẹp, dệt vải giỏi và người yêu, nói dối Ngọc nữ để được đón lên trời, bị thần thu phép thuật; hóa đá giữa chơi vơi… Mỗi hẻm núi, cánh rừng, mỗi vách đá, con khe đều là những sự tích riêng như hoa Phạc Phiền, núi “Ông đi qua, bà đi lại”, đèo Ái Au, đèo Cổ Yểng…
Bao bọc hồ là Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung trên 22.000 ha với hơn 2.000 loài thực vật, 263 loài chim, 61 loài bò sát, 35 loài ếch nhái, 90 loài thú. Nhiều loài trong Sách Đỏ Việt Nam như trai, mun, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió…và voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa... Hàng trăm cây nghiến cổ thụ, đường kính từ 2 - 3 m sừng sững.
Quanh hồ có nhiều thác đẹp. Tiêu biểu hơn cả là thác Pac Ban, Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Khuổi Me. Thác Pac Ban còn gọi là thác Mơ, có 3 tầng; gắn với chuyện tình bi thương, son sắt của nàng Mơ giỏi giang, xinh đẹp. Tầng thứ nhất ầm ào với dòng thác hối hả, đua nhau bật vào đá chắn ngang, tung bọt trắng xóa. Tầng thứ hai nhẹ nhàng, luồn qua những kẽ đá thành hồ nước nhỏ trong vắt. Tầng thứ 3 kiêu hãnh như máng nước khổng lồ.
Thác Khuổi Nhi dài cả cây số, có nhiều tầng, nước nghịch ngợm đuổi bắt, tung bọt vào vách núi trắng lóa như mây. Nhìn từ đỉnh, thác như “mái tóc tiên giữa đại ngàn”. Leo núi, chồn chân, xuống tắm thác và ngâm chân cho lũ cá nhỏ giành nhau dọn tế bào chết. Đi nhiều nước, chưa thấy nơi nào có massage cá tự nhiên như vậy.
Na Hang có quá nhiều tiềm năng du lịch. Mình nàng đủ bao cả Tuyên Quang. Từ du ngoạn trên hồ, ngoạn cảnh, câu cá, ngắm trăng và cả ngủ đêm. Đến trekking tắm thác, chịnh phục các đỉnh núi, khám phá rừng, xem chim, xem thú và trải nghiệm với văn hóa bản địa. Nghe kể về các dự án tầm cỡ để phát triển du lịch mà lo.
Lo vì kiểu đầu tư “Gắp đồ ăn cho khách” sẽ phá vỡ cảnh quan với những dịch vụ xô bồ. Đầu tư tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng. Trước mắt, chỉ tổ chức lại bến bãi, nâng chất các du thuyền lẫn người phục vụ. Nhờ chuyên gia tư vấn thực tiễn lập quy hoạch, xây dựng các điểm du lịch cộng đồng chuẩn ASEAN quanh hồ.
Na Hang không cần tô son trét phấn lòe loẹt, chỉ nên trang điểm nhẹ nhàng. Nếu biết đầu tư đúng hướng và hiệu quả, du lịch Na Hang sẽ là điểm nhấn ấn tượng của Việt Bắc và cả Việt Nam.
(*) Tác giả Nguyễn Văn Mỹ là Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tuyen-quang-khong-chi-co-tan-trao-1599800177905.htm