Tuyên Quang: Kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực.
Những kết quả ấy góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đang được các ngành, địa phương tỉnh Tuyên Quang đôn đốc và triển khai quyết liệt.
Ông Nguyễn Văn Giáo, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố Bản Khiển, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án của Chương trình MTQG, tổ giám sát cộng đồng thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức họp tổ dân phố, bình xét các hộ được thụ hưởng đảm bảo các quy định cụ thể như: đúng đối tượng, không trục lợi dự án… Theo đó, tổ dân phố Bản Khiển có 12 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng các dự án hỗ trợ, trong đó có 10 hộ được hỗ trợ téc đựng nước và 2 hộ được hỗ trợ 2 máy gồm: 1 máy phát cỏ và 1 máy phun sơn.
Năm 2023, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình) được đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng từ Dự án 4 của Chương trình để đầu tư nâng cấp tuyến đường vào vùng sản xuất hàng hóa. Ông Ma Công Bằng, Trưởng thôn Nà Cọn cho biết, tuyến đường dài hơn 800 m trước đây chỉ là đường đất, rộng 2 m; tuyến đường sẽ mở rộng nền đường hơn 6 m, mặt đường bê tông 3,5 m, do vậy sẽ đi vào đất và công trình của 25 hộ dân; một số hộ không đồng ý hiến đất. Phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng thôn, MTTQ các đoàn thể thôn đã đến từng hộ tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Chương trình MTQG đến người dân. Chỉ sau một thời gian ngắn các hộ đã đồng thuận hiến đất, có nhiều hộ hiến cả trăm mét đất, phá bỏ cả công trình tường rào để tạo thuận lợi cho việc thi công tuyến đường. Quá trình thi công, người dân cùng thực hiện chức năng giám sát, vừa góp phần đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng công trình, phục vụ cộng đồng về lâu dài.
Có thể nói trong thời gian qua, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; các công trình, dự án cơ bản phát huy hiệu quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Năm 2022-2023, tổng nguồn vốn Chương trình đầu tư trên địa bàn tỉnh là 1.423,2 tỷ đồng. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, các địa phương đã thành lập tổ giám sát cộng đồng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ việc triển khai thực hiện các dự án tại địa phương và triển khai các bước theo quy định. Nhờ việc triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang thông tin, mục tiêu năm 2023, tỉnh sẽ đưa 4 xã của 2 huyện Na Hang và Hàm Yên ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên 4%/năm; hỗ trợ đất ở cho 21 hộ; hỗ trợ làm nhà ở 679 hộ; hỗ trợ đất sản xuất cho 40 hộ; tiếp tục thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán cho các hộ; đầu tư xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung ở các xã vùng đồng DTTS; thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó chú trọng thực hiện xây dựng các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng DTTS và miền núi.