Tuyên Quang: Nuôi cá trong ruộng lúa, chả phải cho ăn, 1 vụ lãi 40 triệu đồng
Những năm gần đây, mô hình nuôi cá trong ruộng lúa ở xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) phát triển khá mạnh, diện tích không ngừng được mở rộng. Đây là mô hình lạ mà hay, cách nuôi đơn giản, người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả rất khả quan.
Ông Nguyễn Đức Sáu, Trưởng thôn Hưng Thành cho biết, đất ruộng của thôn đều là đất lúa 2 vụ, nhưng do ruộng trũng ngập nước, sâu bệnh nhiều, vụ hè thu thường bị mất mùa nên một số hộ áp dụng mô hình nuôi cá ruộng. Từ một vài hộ nuôi thấy có hiệu quả, đến nay có khoảng 4 ha đất ruộng trong thôn người dân áp dụng mô hình nuôi cá...
Gia đình ông Nguyễn Thắng Quân, thôn Hưng Thành bắt đầu nuôi cá trên ruộng lúa từ năm 2015, sau khi thu hoạch xong diện tích lúa chiêm gia đình ông Quân tiến hành dẫn nước vào ruộng, đắp bờ, mua cá giống về thả trong ruộng với diện tích 4 sào, các loại cá được thả trong ruộng gồm trắm, chép, rô phi...
Ông Quân cho hay, cá bắt đầu nuôi từ tháng 5 đến tháng 12 cho thu hoạch, cá trắm có thể đạt trọng lượng trung bình 3 kg/con, chất lượng thịt cá thơm ngon, bán được giá. Nhận thấy hiệu quả mô hình nuôi cá ruộng mang lại năm 2016 ông mượn toàn bộ khu ruộng của các hộ dân lân cận với diện tích gần 2 ha để thực hiện mô hình nuôi cá. Từ mô hình nuôi cá ruộng mỗi năm gia đình ông Quân thu hơn 6 tạ cá, bán lãi hơn 40 triệu đồng cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Sầm Dương cho biết, mô hình nuôi cá trong ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có 6 thôn với hơn 10 ha ruộng người dân áp dụng mô hình một lúa - một cá. Thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện để các hộ dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tận dụng diện tích nuôi trồng, tăng thu nhập và hạn chế được thuốc hóa học, làm giảm ô nhiễm môi trường.