'Tuyên Quang phải là cứ điểm quan trọng của ngành gỗ Việt Nam'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tuyên Quang cần định vị sắc nét hơn nữa lợi thế và sức hấp dẫn đặc trưng về phát triển kinh tế rừng.
Chiều 23/2, tại Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương làm việc với tập thể Ban thường vụ và lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 nhiệm kỳ 2015-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, cách Hà Nội khoảng 165km; có 22 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, là tỉnh còn nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của thiên tai, biển đổi khí hậu, dịch bệnh, đặc biệt, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, kinh tế địa phương tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,45%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Ngành nông nghiệp được tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,3%/năm; là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp kích cầu du lịch Tuyên Quang, hưởng ứng Chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, năm ngoái thu hút trên 1,7 lượt khách du lịch.
Trước thực tế những khó khăn về cơ sở hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Trung ương hỗ trợ để tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành công trình Dự án đầu tư xây dựng Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư từ hình thức BOT sang PPP. Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư để cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn tỉnh (trong đó có cầu Nông Tiến) và Quốc lộ 2C kết nối Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình, huyện Chiêm Hóa và Khu danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình. Mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ bố trí nguồn vốn vay ODA cho tỉnh để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng một số cây cầu vượt sông Lô để xây dựng, phát triển thành phố Tuyên Quang đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, liên kết các vùng trong tỉnh và với các tỉnh lân cận...
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành Trung ương, kết luận buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về những thay đổi quan trọng như đời sống thu nhập của các tầng lớp nhân dân cả ở đô thị và nông thôn đã được nâng lên; đặc biệt niềm tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền ngày càng được củng cố. Thủ tướng nhấn mạnh, một Đảng bộ đoàn kết nhất trí, đầy sức sáng tạo là tiền đề quan trọng để kinh tế xã hội của địa phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, Tuyên Quang vẫn cần phải khắc phục các vấn đề trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hay quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa xứng với tiềm năng lợi thế hiện có. Thủ tướng đặt câu hỏi bao giờ Tuyên Quang mới hết nghèo và tự cân đối được ngân sách để địa phương được mệnh danh là "Thủ đô kháng chiến" sẽ cất cánh.
Thủ tướng nêu rõ, địa phương cần sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sớm đi vào cuộc sống với chương trình hành động cụ thể, quyết liệt đến từng các cấp, các ngành. Tinh thần là phát triển kinh tế xã hội gắn liền với việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường hay nói cách khác là phát triển mô hình kinh tế xanh.
"Trong kháng chiến chúng ta nhắc đến Tuyên Quang, nhiều người nhớ đến chiến khu Tân Trào đặc biệt là cây Đa Tân Trào biểu tượng cách mạng của Thủ đô giải phóng Tuyên Quang. Ngày nay, Tuyên Quang cần định vị sắc nét hơn nữa lợi thế và sức hấp dẫn đặc trưng về phát triển kinh tế của tỉnh mình nhất là kinh tế rừng. Tôi đề nghị các đồng chí, chúng ta đang nói đến một Việt Nam xanh thì Tuyên Quang phải phấn đấu đi đầu đóng góp vào điều này. Chính vì vậy tầm nhìn của Tuyên Quang phải là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước là một điển hình khác về năng lực thoát nghèo và cải thiện sinh kế bền vững một xã hội khá giả người dân có cuộc sống sung túc nhờ biết tối ưu hóa tài nguyên rừng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, người dân địa phương phải sống được từ việc trồng và bảo vệ rừng, với tiềm năng và lợi thế của địa phương Tuyên Quang phải đặt quyết tâm là cứ điểm quan trọng của Ngành gỗ và lâm nghiệp của cả nước. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu, maketing bán hàng, dịch vụ bán hàng để đảm bảo quyền lợi và tiếp tục nâng cao đời sống thu nhập của người dân. Đi liền với đó, tỉnh tiếp tục phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư vào các công trình giao thông trọng điểm, chú trọng công tác quy hoạch tạo động lực để các nhà đầu tư đến làm ăn và kinh doanh hiệu quả tại địa phương.
Thủ tướng cũng yêu cầu, tỉnh khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với tập quán của bà con: "Chúng ta đều biết Tuyên Quang là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc đứng thứ 3 cả nước về tỉ lệ rừng che phủ đây là cơ sở tạo tiền đề lợi thế để Tuyên Quang phát triển mô hình kinh tế xanh. Với lợi thế đó Tuyên Quang phải là cứ điểm quan trọng của ngành gỗ Việt Nam và khu vực. Xưa chiến khu Tân Trào chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đóng vai trò quan trọng trong Cuộc cách mạng Tháng 8 thì nay Tuyên Quang phải là một cứ điểm quan trọng của ngành gỗ và lâm sản Việt Nam làm được điều đó dân giàu và nước mạnh".
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số đề xuất, kiến nghị của địa phương, giao các Bộ ngành Trung ương nghiêm túc tiếp thu và trình các cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định.
Cũng trong chiều 23/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang./.