Tuyên Quang phát triển nền kinh tế xanh
Vận dụng sáng tạo lý luận đổi mới của Đảng, trên cơ sở đánh giá, tổng kết điều kiện thực tiễn, Tuyên Quang đã định vị môi trường sinh thái là nguồn tài sản quý, lợi thế cạnh tranh, một trụ cột trung tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Với sự bền bỉ, phấn đấu không mệt mỏi trong suốt chặng đường phát triển, 'con đường' đến với nền kinh tế xanh của Tuyên Quang đã dần hình thành.
Bài 2: Kinh tế xanh, trụ cột phát triển bền vững
Bài cuối: Trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng
Bài 1: Bảo vệ và phát triển vốn rừng
Tuyên Quang không có nhiều tiềm lực phát triển kinh tế, nguồn tài nguyên quy mô nhỏ và ngày càng cạn kiệt, vì vậy bảo vệ và phát triển vốn rừng là yêu cầu đặc biệt quan trọng để bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra lợi thế cạnh tranh, đưa Tuyên Quang thoát khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Người dân xã Phù Lưu (Hàm Yên) tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng Kiểm lâm địa bàn.
Ảnh: Quốc Việt
Quyết sách bảo vệ, phát triển vốn rừng
Năm 1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nay là Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 327-CT về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước. Theo đó, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất và giao rừng, phát triển trồng rừng nhằm tăng thêm diện tích rừng cấm quốc gia, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Năm 1998, Chính phủ có Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29-7-1998 Quyết định về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Tiếp đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020.
Với một tỉnh miền núi, Tuyên Quang có điều kiện sinh thái rất thuận lợi cho phát triển rừng, đặc biệt có đến 88% là lực lượng lao động làm việc liên quan đến sản xuất lâm nghiệp. Từ điều kiện tự nhiên, xã hội, đồng thời thực hiện có hiệu quả quyết sách của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã có ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định thực hiện bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó có Quyết định số 65/QĐ-UBND ngày 17-3-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Trước đó, tháng 12-2006, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết 96/2006/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Mục tiêu lớn của tỉnh Tuyên Quang đặt ra là phát triển lâm nghiệp phải bảo đảm cả lợi ích kinh tế và lợi ích môi trường sinh thái; trồng rừng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, chế biến sản phẩm từ rừng, tạo sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập cho người lao động. Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng làm tốt công tác bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển kinh tế du lịch; phát huy lợi thế sinh thái của tỉnh để phát triển mạnh việc trồng rừng và khai thác bền vững rừng sản xuất, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản, nhu cầu dân dụng, chế biến hàng tiêu dùng và xuất khẩu; nâng cao tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh.
Cơ bản chuyển hướng phát triển lâm nghiệp hiện nay theo hướng xã hội hóa nghề rừng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng; rừng phải có chủ, trong đó Nhà nước tập trung quản lý diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rất xung yếu. Hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân và bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của chủ rừng theo đúng quy định của pháp luật là khâu đột phá; có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích tích tụ đất lâm nghiệp trồng rừng thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản làm nền tảng trong phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh.
Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân, hàng trăm nghìn ha đất lâm nghiệp đã được giao về cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý và bảo vệ, phát triển rừng. Đối với diện tích rừng đặc dụng, tỉnh bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm các hành vi xâm phạm đến khu vực rừng. Riêng đối với diện tích rừng phòng hộ, tỉnh thực hiện theo đúng Nghị định 75 của Chính phủ tổ chức giao khoán cho các hộ dân là hộ dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống trong khu vực có trách nhiệm quản lý và bảo vệ rừng với định mức 400 nghìn đồng/ha/năm. Giao đất, giao rừng mang lại hiệu quả kép không những bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên, diện tích rừng trồng sản xuất phát triển mạnh, người dân Tuyên Quang, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đang làm giàu từ nghề rừng.
Cây keo lai mô được nuôi ươm tại Trung tâm thực nghiệm thực hành,trường Đại học Tân Trào phục vụ trồng rừng sinh khối lớn.
Trưởng bản Cây Thông, xã Hùng Đức (Hàm Yên) Bàn Văn Dưỡng, người dân tộc Dao vẫn còn nhớ như in thời điểm cách đây gần 20 năm khi tỉnh có chính sách giao đất, giao rừng về cho dân bản. Ông Dưỡng bảo, bà con mừng, phấn khởi lắm, bởi bao đời người Dao mơ ước được đứng tên trên diện tích rừng đã thành hiện thực. Theo ông Dưỡng, cả bản Cây Thông, nhà nào cũng được Nhà nước giao đất rừng, nhà ít nhất cũng được 0,5 ha, nhà nhiều từ 4-5 ha, bản thân gia đình ông Dưỡng cũng được giao 5 ha. Dân bản Cây Thông giờ không những biết bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, bà con còn biết liên kết với các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến. Hiện tại, bản người Dao ở Cây Thông đang liên kết thực hiện trồng 80 ha rừng nguyên liệu cho Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Trồng, bảo vệ rừng là công việc chính, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người Dao bản Cây Thông này, khi 50% số hộ gia đình trong thôn đã có mức sống giàu và khá từ chính kinh tế rừng, ông Dưỡng khẳng định.
Nâng cao chất lượng rừng trồng, tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, tỉnh hỗ trợ giống cây keo hạt ngoại nhập trồng rừng gỗ lớn và cây keo lai mô trồng rừng nguyên liệu giấy. Trung bình mỗi năm, tỉnh hỗ trợ gần 2 triệu cây giống chất lượng cao cho người dân trồng rừng.
“Lá phổi xanh” cho sự phát triển
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Tuyên Quang hiện có trên 448.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% diện tích tự nhiên, diện tích rừng hiện có trên 415.000 ha, trong đó có trên 233.000ha rừng tự nhiên; trên 182.000ha rừng trồng sản xuất, chiếm 12,27% toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc. Hàng năm, tỉnh Tuyên Quang thực hiện trồng mới trên 10.000 ha rừng sản xuất, trong đó có trên 1.000 ha rừng trồng bằng cây chất lượng cao. Đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 65%, Tuyên Quang là một trong 3 tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước.
Bảo vệ và phát triển vốn rừng, Tuyên Quang đang tạo ra lợi thế lớn, môi trường sinh thái được bảo vệ, hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn. Hàng thập kỷ nay, vùng hạ du sông Năng, sông Lô đã không còn những trận đại hồng thủy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Người dân Tuyên Quang đã được sống trong môi trường yên bình, khí hậu trong lành, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch khi tỉnh đã hình thành các khu điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn các huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa... những cánh rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt, hệ động thực vật được bảo tồn, phát triển đa dạng, phong phú, tạo ra môi trường sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho rằng, có được kết quả đó là cả một chiến lược lớn, khoa học của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển vốn rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân Tuyên Quang. Với vốn rừng hiện có của Tuyên Quang được ví như lá phổi xanh và là điều kiện rất thuận lợi để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến gỗ; phát triển du lịch sinh thái; ngành nghề thủ công mỹ nghệ... Đây là nền tảng để tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm rừng.
Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm của Tuyên Quang đạt trên 800.000 m3, chiếm trên 25% sản lượng khai thác toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc, cơ bản đáp ứng đủ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Ngành lâm nghiệp có đóng góp quan trọng trong phát triển công nghiệp toàn tỉnh, trong đó công nghiệp chế biến lâm sản chiếm 27% tổng giá trị công nghiệp toàn tỉnh và chiếm 67% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn tỉnh. Đặc biệt quan trọng hơn nữa, lâm nghiệp góp phần ổn định đời sống của nhân dân, ổn định an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ tích cực cho nhiều ngành nghề khác phát triển.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
(còn nữa)