Tuyên Quang rộn rã sắc xuân
Mùa xuân đến muôn hoa đua nở, vạn vật sinh sôi, thức dậy trong lòng người bao niềm hân hoan. Những chuyến du xuân giúp mỗi người thêm niềm vui hạnh ngộ, gắn kết. Từ thành thị đến nông thôn hay những bản làng xa xôi đều bừng lên một không khí vui xuân, đón Tết phơi phới. Ai cũng kỳ vọng vào mùa xuân mới thật nhiều bình an, may mắn, an khang thịnh vượng.
Tại thành phố Tuyên Quang đúng thời khắc giao thừa, tại khu vực Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tỉnh và Bảo tàng tỉnh, thành phố Tuyên Quang tổ chức bắn pháo hoa đón chào năm mới Giáp Thìn 2024. Mặc dù thời tiết giá lạnh nhưng được “làm ấm” lên bởi dòng người đổ về các khu vực trung tâm. Rất đông người dân, du khách, nhất là những bạn trẻ đã cùng xuống phố, hòa mình vào không gian đất trời để đón chờ giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong niềm vui hân hoan, hy vọng vào cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau giờ phút giao thừa, nhiều người dân đã đổ về các đền, chùa xung quanh khu vực quanh thành phố để thắp hương để cầu may mắn, bình an cho một năm mới tốt đẹp hơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Tân Quang chia sẻ: “Giao thừa năm nay thời tiết tuy có lạnh nhưng cả gia đình mình không ngại xuống đường để đón giao thừa xem pháo hoa và xin lộc đầu năm. Cả gia đình được đón năm mới trong bầu không khí thật đặc biệt với màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu. Màn pháo hoa thực sự đã mang lại cho người dân chúng tôi một cảm giác an nhiên và may mắn. Tôi mong muốn tỉnh nhà tiếp tục phát huy nội lực, củng cố vị thế xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày một phát triển.
Ngay trong mùng 2 Tết du khách ở khắp các nơi nườm nượp đổ về xứ Tuyên đi lễ đầu năm cầu bình an, hạnh phúc. Thiền viện Trúc lâm Chính pháp Tuyên Quang tại xã Tràng Đà, đón hàng nghìn lượt du khách thập phương tới tham quan, lễ phật. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Tuyên Quang ngay trong những ngày đầu năm mới.
Anh Lê Văn Cường, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Đầu xuân năm nào gia đình tôi cũng cùng bạn bè lên Tuyên Quang đi lễ chùa để cầu may, mong muốn một năm mới dồi dào sức khỏe, mọi điều tốt lành đến với gia đình và tất cả mọi người. Tôi thấy các khu du lịch tâm linh, các đền chùa tại Tuyên Quang rất đẹp, mọi người đi lễ rất đông và đặc biệt là khâu tổ chức của các khu du lịch tâm linh ở Tuyên Quang rất tốt. Du khách đến với các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên mà còn là cơ hội để tìm hiểu về truyền thống văn hóa của mảnh đất, con người Tuyên Quang”.
Đã thành thông lệ, vào mồng 4 Tết Nguyên đán hàng năm, thành phố Tuyên Quang tổ chức Lễ hội đua thuyền trên sông Lô. Lễ hội đua thuyền là một trong chuỗi các hoạt động văn hóa của Lễ hội Xuân thành phố Tuyên Quang nhằm giới thiệu với Nhân dân và du khách thập phương một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân xứ Tuyên. Năm nay Lễ hội đua thuyền có 15 đội với 450 vận động viên tham gia tranh tài. Hội đua thuyền trên sông Lô mỗi dịp đầu xuân đã trở thành một lễ hội sông nước độc đáo, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương đến tham dự, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất và con người xứ Tuyên.
Vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm, Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Na Hang và du khách gần xa lại tụ hội về trung tâm thị trấn Na Hang để tham dự Lễ hội Lồng Tông - Ngày hội xuống đồng truyền thống của dân tộc Tày, mang theo niềm hy vọng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội Lồng Tông thị trấn Na Hang xuân Giáp Thìn được chia thành hai phần. Phần lễ có tạ Thiên - Địa, cầu Thần Nông độ trì cho mưa thuận, gió hòa, gia cầm sinh sôi, bản làng bình yên no ấm... Phần hội với nhiều trò chơi dân gian truyền thống mà trong đó, vui nhất, đông người tham gia nhất là hội tung còn. Người dân địa phương thường quan niệm rằng, trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng làm ăn thuận lợi. Đặc biệt, Lễ hội Lồng Tông thị trấn Na Hang năm nay, Ban Tổ chức còn đưa ra nhiều trò chơi như: Tung còn, kéo co, bịt mắt bắt lợn... thu hút được đông đảo Nhân dân và du khách đến tham gia, cổ vũ.
Cùng với các lễ hội truyền thống cấp thôn, xã, năm nào cũng vậy Lễ hội lớn cấp huyện như Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, Động Tiên - Chợ quê huyện Hàm Yên được tổ chức với quy mô lớn. Đây vừa là dịp để Nhân nhân thể hiện tín ngưỡng, bản sắc văn hóa của mình, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.
Không khí xuân còn vấn vương khắp các vườn đào Nông Tiến (TP Tuyên Quang), vườn mận Nà Héc, Yên Lập (Chiêm Hóa), vườn lê, Hồng Thái (Na Hang). Đi đâu cũng tràn ngập sắc xuân tạo khí thế, quyết tâm cho năm mới.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phong-su/tuyen-quang-ron-ra-sac-xuan-187910.html