Tuyên Quang tăng 26 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân
Ngày 19-5, Ban Chỉ đạo về công tác cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019 (PAR INDEX 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 (SIPAS 2019).
Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí Lễ Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ượng Đảng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Chỉ số CCHC là công cụ quản lý được Bộ Nội vụ xây dựng và áp dụng từ năm 2012 đến nay nhằm giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả CCHC hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC bao gồm 2 bộ tiêu chí đánh giá riêng cho cấp bộ và cấp tỉnh, được thiết kế, xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa và bám sát các nhiệm vụ CCHC mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, các tỉnh thực hiện.
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 đối với 17 bộ, cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xếp thứ nhất với điểm Chỉ số PAR INDEX 2019 đạt 95,40. Bộ Giao thông Vận tải đứng ở vị trí thấp nhất với điểm Chỉ số PAR INDEX 2019 đạt 80,53. Kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng với chỉ số tổng hợp đạt 90,09. Bến Tre là địa phương đạt thấp nhất với 73,87 điểm. Tuyên Quang tiếp tục vươn lên trong bảng xếp hạng với vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố với điểm chỉ số tổng hợp đạt 82,82, tăng 3 bậc và tăng 4,11 điểm so với năm 2018.
Chỉ số SIPAS nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước, giúp các cơ quan nắm bắt được cảm nhận, yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ và nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức. Chỉ số thực hiện ở cả 3 cấp hành chính (tỉnh, huyện, xã), 16 lĩnh vực dịch vụ hành chính.
Kết quả SIPAS năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng với điểm chỉ số đạt 95,26%. Tỉnh Bình Thuận đứng cuối với 73,81%. Tuyên Quang có sự bứt phá ngoạn mục từ vị trí thứ 52/63 đã vươn lên đứng ở vị trí thứ 26/63 với điểm chỉ số đạt 85,81%, tăng 9,5% so với năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc công bố các chỉ số là cơ hội để xem xét, đánh giá nghiêm túc về chất lượng công tác CCHC phục vụ tổ chức, người dân, sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.
Thông qua các chỉ số, các địa phương cần tiếp tục đánh giá lại các chỉ số thành phần, các lĩnh vực CCHC một cách cầu thị nhằm tiếp tục khắc phục những hạn chế, yếu kém trong CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí đề nghị, căn cứ vào kết quả CCHC, chỉ số hài lòng của người dân, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà phải trực tiếp chỉ đạo khắc phục hạn chế, tạo được bước đột phá trong CCHC, hoàn thiện quy trình quy chế làm việc và phải có chế tài xử lý những vi phạm trong công tác CCHC; tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo sự thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc rà soát sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương Đảng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tinh giản biên chế 10% giai đoạn 2015-2021, xử lý nghiêm các vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức; đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng thiết thực hơn, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp, khơi thông nguồn lực kinh tế, tăng cường áp dụng một cửa điện tử, hệ thống văn bản quản lý, điều hành… góp phần xây dựng Chính phủ điện tử; tổ chức phối hợp nghiên cứu sửa đổi bổ sung các nội dung đánh giá CCHC phù hợp với thực tiễn đảm bảo khách quan, công bằng.
Các bộ, ngành, địa phương cần bắt tay ngay vào xây dựng thực hiện tốt các biện pháp CCHC, tạo tiền đề sức mạnh gian đoạn tới.