Tuyên Quang tạo nguồn cán bộ nữ - Bài cuối: Khát vọng cống hiến

Tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ. Do đó, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đổi mới nhận thức về phụ nữ với tư cách là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm, tạo mọi điều kiện để cán bộ nữ cống hiến.

Chọn người giao việc

Trong công tác cán bộ nói chung, cán bộ nữ nói riêng, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm hiệu quả để lựa chọn được những nữ cán bộ có trình độ, năng lực, có lòng nhiệt huyết. Một trong những cách làm hiệu quả là chọn người giao việc, đây là cách đã được nhiều Đảng bộ áp dụng và đem lại thành công. Chị Dương Minh Nguyệt, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024 là một trong những nữ cán bộ trưởng thành từ cách làm chọn người giao việc. Với lòng say mê công tác Đoàn, ngay từ khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Nguyệt đã tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn - Hội của Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Sau tốt nghiệp Đại học, chị Nguyệt tham gia công tác tại Tỉnh đoàn. Với tố chất năng động, nhiệt huyết trong công tác Đoàn, chị Nguyệt luôn được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, có lý tưởng, hoài bão lớn, khả năng thu hút, tập hợp thanh niên. Chính vì vậy, chị Nguyệt đã được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quy hoạch là cán bộ nguồn. Sau 2 năm thử thách, chị Nguyệt được kết nạp vào Đảng và cử đi học các lớp bồi dưỡng chính trị, kiến thức mới. Chị Nguyệt được phân công bố trí nhiệm vụ công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau để rèn luyện và thử thách như: Cán bộ Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh đoàn, Ban Thanh thiếu nhi - Trường học, Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn. Ở bất cứ cương vị nào, chị Nguyệt cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chị Dương Thị Phương Nhung, Chủ tịch UBND xã Lâm Xuyên cũng là một trong những cán bộ trưởng thành từ cách làm trên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp trở về quê hương, chị Nhung đã được lãnh đạo xã quan tâm lựa chọn, đưa vào quy hoạch để trở thành cán bộ xã. Bước đầu, chị Nhung được giao nhiệm vụ là Phó Bí thư Đoàn xã. Sau đó, chị Nhung được cử làm cán bộ Văn hóa, cán bộ Văn phòng - Thống kê, Phó Chủ tịch UBND xã. Ở các nhiệm vụ công tác khác nhau, chị Nhung luôn khẳng định được năng lực của mình và đã được bầu làm Chủ tịch UBND xã khi ở tuổi 34, một trong những Chủ tịch xã trẻ nhất của huyện Sơn Dương. Với vai trò Chủ tịch xã, chị Nhung đã giúp nhân dân Lâm Xuyên triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế như chuyển đổi cây ngô sang chuyên canh cây lạc; nhân rộng các mô hình nuôi trâu, nuôi dê quy mô lớn...

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang xem xétquy hoạch khu định cư mới cho 43 hộ dân khu tập thể Đội 4 Công ty Xây dựng tổng hợp 2 - Tổ 11,phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Ảnh: Thanh Phúc.

Khẳng định vị thế

Trong hệ thống chính trị của Tuyên Quang hiện nay, ở hầu hết các lĩnh vực, cán bộ nữ đã đảm nhận những vị trí quan trọng. Trong đó, nhiều đơn vị, địa phương, cán bộ nữ giữ vai trò chủ chốt, họ luôn thể hiện được bản lĩnh, khát vọng cống hiến. Giữ cương vị Bí thư Thành ủy Tuyên Quang, chị Lê Thị Kim Dung là nữ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trẻ nhất hiện nay của tỉnh. Dù ở cương vị nào chị cũng luôn thể hiện được bản lĩnh, sự nhiệt huyết, năng động, dám nghĩ, dám làm và để lại những dấu ấn đậm nét trên các lĩnh vực công tác. Khi là Giám đốc Sở Tài chính, với vai trò là người giữ “tay hòm, chìa khóa” của tỉnh, chị luôn nhận được sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, mọi khoản thu, chi đều được cân nhắc kỹ càng, hợp lý, công khai, minh bạch, đúng chế độ, định mức tài chính quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội.

Ở cương vị là Bí thư Thành ủy Tuyên Quang, chị đã kế thừa và phát huy những thành quả của thành phố Tuyên Quang đã đạt được. Không ngại khó, chị lãnh đạo giải quyết những tồn tại được xem nổi cộm, tồn đọng nhiều năm của thành phố như thu hồi đất bàn giao từ các nông, lâm trường giao cho các địa phương quản lý; xây dựng phương án xóa bỏ những khu tập thể cũ nát trên địa bàn thành phố; giải quyết cơ bản các quy hoạch treo, quy hoạch không phù hợp; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đưa thành phố Tuyên Quang trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Trong công tác xây dựng Đảng, việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương luôn kịp thời, hiệu quả; hoạt động điều hành của các cơ quan, đơn vị chuyên môn cũng luôn thông suốt. Việc cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính của thành phố được chú trọng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố và cơ sở. Bản thân chị cũng luôn dành nhiều thời gian tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời có ý kiến chỉ đạo giải quyết các băn khoăn, vướng mắc nhanh chóng, dứt điểm.

Trong hệ thống HĐND tỉnh hiện nay, đại biểu HĐND tỉnh là nữ chiếm tỷ lệ trên 35%. Các nữ đại biểu HĐND luôn thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh, ở địa phương. Tham gia giám sát những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, trực tiếp liên quan đến đời sống của đại bộ phận nhân dân. Chị Nông Thị Toản, Tổ đại biểu HĐND huyện Na Hang, Lâm Bình thường xuyên làm “nóng” các kỳ họp bằng những ý kiến phát biểu đầy tâm huyết. Nhiều ý kiến, kiến nghị của chị Toản về các chính sách hỗ trợ hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số… đã được xem xét, giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng, niềm tin của cử tri. Trong công tác chuyên môn, chị Toản là Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình. Bằng sự năng động và trách nhiệm của mình, chị Toản đã thực hiện nhiều giải pháp giải quyết công việc nhanh chóng, các dự án, công trình trên địa bàn huyện được triển khai thông suốt.

Đồng chí Trần Thị Tuyết Mai, Bí thư Đảng ủy cùng cán bộ xã Mỹ Bằng (Yên Sơn)kiểm tra vùng chuyên canh cây chè trên địa bàn.

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh, vai trò của những nữ cán bộ cũng luôn được phát huy mạnh mẽ. Ở những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh hiện nay, những vị trí lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tiêu biểu như chị Trần Thị Tuyết Mai, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bằng (Yên Sơn), chị Nguyễn Thị Hoài, Chủ tịch UBND xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Cả 2 xã trên đều là xã đầu tiên phấn đấu hoàn thành nông thôn mới nâng cao của tỉnh.

Có thể nói, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ có điều kiện phát huy năng lực và khẳng định vị thế của mình. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy ngày càng tăng, ngày càng nhiều phụ nữ đảm nhận những cương vị chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp. Hằng năm, đánh giá phân loại cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, tỷ lệ bình quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 94,59%; hoàn thành tốt nhiệm vụ 5,41%. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp được tỉnh thực hiện nghiêm túc, đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công tâm, đúng quy trình.

Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư đã đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ có tính chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở quy hoạch, có kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ cống hiến và trưởng thành, chống coi thường phụ nữ, phân biệt đối xử, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, tỉnh đã có những cách làm hiệu quả trong công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ phát huy được vai trò, năng lực, sở trường của mình, cống hiến cho sự phát triển của tỉnh. Trong thời gian tới, đặc biệt là chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý, sát hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng việc bố trí, phân công công tác để cán bộ nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, phát huy năng lực, tương xứng với vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

>>> Bài 1: Xóa “rào cản” với cán bộ nữ

Minh Tuyên - Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-dang-nha-nuoc/tuyen-quang-tao-nguon-can-bo-nu-bai-cuoi-khat-vong-cong-hien-124524.html