Tuyên Quang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp
Năm 2025, Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.700 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2024; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,9%.

Công nhân Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tập trung thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ; đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn về tài chính, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính chú trọng tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực công nghiệp đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống người dân.
Trong quý I/2025, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đạt 5.447 tỷ đồng, bằng 24,3% kế hoạch năm và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2024, xếp thứ 4/14 tỉnh trung du và miền núi phía bắc và đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt và vượt kế hoạch đề ra như: điện sản xuất đạt 125,7%, thép 126,2%, bột Felspat tăng 161,6%, xi măng 119%, giày da 115,6%.

Công đoạn sản xuất giấy xuất khẩu tại Công ty cổ phần giấy An Hòa.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 của tỉnh tăng 9,7% so với cùng kỳ, đứng thứ 11 cả nước và thứ 4 khu vực trung du, miền núi phía bắc. Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ và khẳng định vai trò là điểm tựa của nền kinh tế địa phương.
Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Tỉnh đã đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Xuân Vân, huyện Yên Sơn và Cụm công nghiệp An Hòa-Long Bình An, thành phố Tuyên Quang; thúc đẩy hoàn thiện thủ tục xây dựng Cụm công nghiệp Phúc Ứng 2, huyện Sơn Dương. Đồng thời, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 4 dự án lớn gồm: Nhà máy sản xuất giày dép thể thao và giày lười cao cấp; Nhà máy sản xuất, gia công chế tạo đồ chơi thú bông; đường dây và Trạm biến áp 110kV Tuyên Quang 2; Nhà máy nhiên liệu sinh khối EREX SAKURA Tuyên Quang.
Năm 2025, Tuyên Quang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.700 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2024; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14,9%. Tuy nhiên, trước tác động của kinh tế thế giới và trước chính sách thuế của Mỹ đã khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Đứng trước khó khăn chung, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng những giải pháp nhằm ứng phó.

Lãnh đạo Sở Công Thương nắm bắt tình hình sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Duy Luân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Tuyên Quang cho biết, năm 2025, doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất hơn 288.000 tấn thép, phấn đấu doanh thu đạt hơn 3.400 tỷ đồng. Trước biến động từ chính sách thuế của Mỹ, công ty đã chủ động cơ cấu lại thị trường, chuyển trọng tâm sang thị trường trong nước để ổn định sản xuất.
Công ty cổ phần Giấy An Hòa cũng đang nỗ lực hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2025. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính, Nhân sự của công ty chia sẻ, dù chịu tác động từ xung đột thương mại quốc tế và thời tiết bất lợi, nhưng trong quý I, công ty vẫn hoàn thành hơn 97% kế hoạch. Công ty đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng kỹ thuật mới để tăng năng suất, đồng thời mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhằm giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Việt Tuyên Quang sản xuất gỗ ép xuất khẩu.
Còn bà Cao Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sao Việt Tuyên Quang cho biết, hiện tại, công ty đang sản xuất các dòng ván ép đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và mẫu mã cho các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và Trung Đông. Đây là những thị trường lớn, tiềm năng, nhưng cũng có những biến động nhất định. Mặc dù, xuất khẩu gỗ có những tín hiệu lạc quan song, công ty nhận thấy cần phải đa dạng thị trường nhằm tránh phụ thuộc, rủi ro trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Để tự tin chinh phục được các đối tác với sản phẩm của mình, công ty đã đầu tư điều chỉnh công nghệ, quy trình sản xuất, cho ra đời thêm những dòng hàng chuyên biệt. Từ đó, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và thị hiếu tiêu dùng của thị trường mới. Thời gian tới, công ty sẽ đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác thị trường châu Âu. Hiện tại cũng đã có những bước kết nối ban đầu, một số đối tác từ châu Âu đến thăm quan nhà máy Sao Việt để tìm hiểu sản phẩm.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, tỉnh đang chú trọng thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, sản xuất linh kiện, hạn chế các ngành công nghiệp ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời chú trọng đến các doanh nghiệp sử dụng các nguyên liệu tại địa phương như sản xuất gỗ, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu…
Ông Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết thêm, dự báo thời gian tới, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn sẽ đối mặt với không ít thách thức như thiếu vốn sản xuất, thiếu nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong hoạt động xuất khẩu. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, từng tháng, từng quý, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho các mục tiêu. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thành lập và triển khai xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch. Tiếp tục kêu gọi, khuyến khích, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực đầu tư và kinh doanh, thu hút các dự án vào đầu tư, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chủ động giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án sớm đi vào hoạt động. Đồng thời đôn đốc các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất của các sản phẩm hiện có, phấn đấu đạt mức tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp theo kế hoạch đã đề ra.
Với những giải pháp đồng bộ, tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.700 tỷ đồng đã đề ra, tiếp tục khẳng định tỉnh là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi phía Bắc.