Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

Tuyên Quang - Trung tâm An toàn khu là nơi đặt trụ sở của Văn phòng Trung ương Đảng, các ban Đảng Trung ương: Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Kinh tế, Ban Kiểm tra; Ủy ban Thường trực Quốc hội, Trung ương Mặt trận; Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung ương Đoàn Thanh niên, Ban Nông vận, Tổng Liên đoàn Lao động; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; các bộ: Canh nông, Kinh tế, Tài chính, Giao thông - Công chính, Nội vụ, Ngoại giao, Y tế, Giáo dục, Tư pháp, Lao động, Thương binh - Cựu binh; các cơ quan ngang bộ: Thanh tra Chính phủ, Ban Thi đua ái quốc, Công an, Ngân hàng, Thông tin, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Tuyên Quang trở thành cái nôi xây dựng và phát triển của các bộ, ban, ngành.

Các nhà lãnh đạo đứng đầu cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận: Tổng Bí thư Trường Chinh, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội - Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có thời gian dài làm việc tại nhiều địa điểm trên đất Tuyên Quang.

Bộ Quốc phòng cùng Bộ Tổng Tư lệnh chủ yếu đóng trên địa bàn huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Về địa lý, Định Hóa và Sơn Dương cùng chung một dải núi Hồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn vị trí làm việc của Người trong kháng chiến là: “Tiện đường sang bộ Tổng. Thuận lối đến Trung ương. Gần dân không gần đường”. Các vị chỉ huy Quân đội: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn thường xuyên qua đèo De sang Tuyên Quang dự các cuộc họp, báo cáo tình hình, nhận chỉ thị của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với các cơ quan Trung ương, rất nhiều đơn vị cơ sở trực tiếp sản xuất, nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp đóng ở Tuyên Quang.

Thuộc khối quốc phòng - an ninh có 19 đơn vị, trong đó có những cơ quan, đơn vị đặc biệt quan trọng. Nha Nghiên cứu kỹ thuật và các xưởng quân giới làm nhiệm vụ chế tạo, sản xuất các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ban Nghiên cứu Không quân, Nha Liên lạc, Cục Tình báo, Phòng Liên lạc miền Nam, các trường quân sự, công an đào tạo cán bộ chỉ huy trước mắt và lâu dài. Xưởng Đồ bản, các kho quân nhu... đảm bảo hậu cần cho lực lượng vũ trang.

Các cơ sở thuộc khối Tài Chính - Ngân hàng: Nhà máy in tiền Khánh Thi, Sở Đúc tiền, Kho Dự trữ và Phát hành, Cục tiếp tế vận tải, Kho vàng bạc... hiện thực hóa chủ trương tự chủ tài chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các cơ sở thuộc khối nông nghiệp - công thương nghiệp - giao thông: Sở Doanh điền, Trại Thí nghiệm, Thực nghiệm, cơ sở khai khoáng, các nhà in, xưởng giấy... vừa hướng dẫn vừa trực tiếp sản xuất phục vụ nhu cầu thiết yếu của bộ đội và nhân dân.

Thuộc Bộ Y tế có 5 đơn vị: Trường Đại học Y khoa, Bệnh xá, Bệnh viện Trung ương, Viện Vi trùng học, Xưởng sản xuất dụng cụ, vật liệu y tế... đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân dân và nhất là cứu chữa thương binh, bệnh binh.

Các cơ quan khối văn học - nghệ thuật, tuyên truyền, xuất bản: Báo Nhân dân, Báo Cứu quốc, Báo Phụ nữ, Báo Lao động, Nhà xuất bản Sự thật, Trường Mỹ thuật, Đoàn Văn công, Thư viện Trung ương... đem đến đời sống tinh thần lành mạnh, cổ vũ lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên toàn dân kháng chiến. Cơ quan văn nghệ và nhiều văn nghệ sĩ đi thực tế kháng chiến cho ra đời những tác phẩm tiêu biểu tại Tuyên Quang như Trường ca Sông Lô, Bên bờ sông Lô, Xung kích...

(CÒN NỮA)
Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/tuyen-quang-xua-va-nay/tuyen-quang-thu-do-khang-chien-118608.html