Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
Tiếp tục phát động quần chúng giảm tô, cải cách dân chủ, chỉnh đốn tổ chức và thực hiện sửa sai.
Công tác phát động quần chúng giảm tô bắt đầu được tiến hành ở Tuyên Quang từ năm 1953, và kết thúc vào tháng 8-1954. Qua 5 đợt, công tác phát động giảm tô và chỉnh đốn tổ chức đã hoàn thành ở 90 xã trong 5 huyện: Yên Bình, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa và Hàm Yên. Khu vực giảm tô gồm 133.686 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 65%. Qua phát động, trừ huyện Yên Bình, ở các huyện còn lại đã quy 537 địa chủ, 522 phú nông, thu 1.155 tấn thóc và 2 triệu đồng chia cho nông dân. Năm 1955, tỉnh đã điều động 650 cán bộ, đảng viên đi làm công tác giảm tô và cải cách ruộng đất ở các tỉnh bạn. Tuy nhiên, cũng như tình hình chung của cả miền Bắc, quá trình thực hiện đã mắc phải một số sai lầm, gây tác động xấu tới tình hình chung.
Việc sửa sai ở Tuyên Quang được tiến hành từ tháng 12-1956, cơ bản hoàn thành vào tháng 4-1957, với các công tác cơ bản: tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chỉnh đốn tổ chức và sửa chữa thành phần, đền bù tài sản... 2.258 đảng viên của 112 chi bộ, 3.149 cán bộ của 116 xã, 17.011 quần chúng của 115 xã đã tham gia học tập chính sách sửa sai. Đã sửa thành phần cho những nông dân bị quy sai, phục hồi chức vụ, đảng tịch và công tác cho những cán bộ, đảng viên đã bị xử lý oan; tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức của các xã. Toàn tỉnh đã hạ thành phần cho 516 địa chủ, 579 phú nông, phục hồi đảng tịch cho 554 đảng viên; trả lại chức vụ cho 709 người ở các tổ chức dân, chính, đảng cấp xã; củng cố chi ủy, Ủy ban hành chính, xã đội, công an của 127 xã; củng cố 139 ban chấp hành nông hội, khẳng định quyền sử dụng ruộng đất của nông dân đối với ruộng đất, tài sản đã được chia.
Trong năm 1955, tỉnh đã tăng cường lực lượng, tiến hành củng cố an ninh, trật tự ở vùng giáp ranh với Cao Bằng, Hà Giang. Tháng 3-1955, Hội nghị đại biểu các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội được triệu tập để học tập chính sách mở rộng và củng cố Mặt trận Dân tộc thống nhất do Đảng lãnh đạo.
Cứu đói, phục hồi sản xuất, phát triển phong trào đổi công
Song song với việc ổn định tình hình chính trị, tư tưởng, củng cố an ninh trật tự, an toàn xã hội, tỉnh đẩy mạnh công tác cứu đói, chống đói, phục hồi sản xuất, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đầu năm 1955, 170 cán bộ và bộ đội đã xuống các xã, thôn thực hiện chương trình vận động cứu đói. Tỉnh đã trưng vay 32 tấn lương thực, 32 vạn đồng, cung cấp 32 nghìn thước vải để cứu trợ các gia đình bị đói rách. Nhân dân tự quyên góp, giúp đỡ nhau 10 tấn thóc, 3 tấn màu và 16 vạn đồng. Trong vụ đói giáp hạt tháng 8-1955, bên cạnh việc trưng vay, cứu trợ, tỉnh mở các điểm bán gạo ở những xã có nạn đói; bán cho nhân dân trên 53 tấn gạo, thu mua lâm, thổ sản để dân có tiền mua lương thực; đồng thời triển khai biện pháp cơ bản mang tính chiến lược để chống đói là vận động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Bên cạnh việc nhân dân tích cực khai hoang, phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, Nhà nước đã cố gắng trợ giúp vốn để nhân dân mua giống, nông cụ. Vụ đông - xuân 1954 - 1955, toàn tỉnh đã cấy được 15.621 mẫu lúa, trồng được 14.919 mẫu hoa màu; kết quả sản lượng lương thực quy thóc đạt 13.608 tấn. Toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa được 1.249 mương, phai, cọn tưới nước cho 9.439 mẫu lúa. Đê Sầm Dương được tu sửa hoàn thành với độ dài 1.109 m, ngăn lụt cho 109 mẫu ruộng. Hơn 2 vạn mẫu ruộng (1/3 tổng diện tích gieo cấy) được tưới, tiêu nhờ các công trình thủy lợi; hàng vạn người tham gia diệt sâu, chuột, bảo vệ lúa và hoa màu; khai hoang, phục hóa 671 mẫu ruộng, gieo cấy 64.700 mẫu lúa.
Nhân dân các địa phương tích cực làm thủy lợi với tinh thần “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Cùng với việc củng cố, mở rộng các công trình thủy lợi cũ, tỉnh bắt đầu tập trung xây dựng các công trình trị thủy có quy mô như đê An Khánh (Đông Lợi, Sơn Dương), mương phai Bình An (An Tường, Yên Sơn), mương phai ở Km 7 (Trung Môn, Yên Sơn), đặt chương trình xây dựng công trình trung thủy nông Trung Môn - Ỷ La có sức tưới 1.000 mẫu ruộng... Các cơ sở tín dụng, ngân hàng mở rộng hoạt động, cho nhân dân vay vốn mua trâu, bò và nông cụ...
Nhiều tuyến đường giao thông được khôi phục, sửa chữa. Công, thương nghiệp phát triển. Giá trị sản lượng khai thác lâm sản đạt tương đương 14.567 tấn thóc.
Phong trào tổ đổi công phát triển, từ đổi công từng vụ, từng việc tới đổi công thường xuyên. Nông dân hăng hái tham gia các tổ đổi công, chuyển mạnh vào con đường làm ăn “hợp tác, tương trợ”. Vụ chiêm năm 1956 - 1957, toàn tỉnh có 21.457 hộ nông dân thì đã có 17.627 hộ tham gia 3.048 tổ đổi công, trong đó có 547 tổ đổi công thường xuyên. Cuối năm 1958, vùng nông thôn Tuyên Quang có 160 xã với 20.043 hộ nông dân đã xây dựng được 3.245 tổ đổi công với sự tham gia của 15.844 hộ (chiếm 79% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh), trong đó có 524 tổ đổi công thường xuyên (tập trung sản xuất theo phương thức bình công chấm điểm) gồm 3.238 hộ.