Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)
Đưa các hộ tiểu thủ công, tiểu thương và tư sản công thương nghiệp vào hợp tác xã công tư hợp doanh
Hoạt động tư bản tư doanh ở tỉnh chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực thương nghiệp; hầu hết tư sản đều thuộc loại nhỏ và vừa, hoạt động không chuyên doanh, thế lực kinh tế không lớn, đã từng tham gia kháng chiến và có thái độ ủng hộ chế độ. Vì vậy quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tiểu thương, thủ công nghiệp và công, thương nghiệp tư bản tư doanh diễn ra nhanh, thuận lợi theo chủ trương chung: Sử dụng, hạn chế và cải tạo; phương châm cải tạo là lấy giáo dục chính sách và áp lực chính trị của công nhân, nhân dân lao động là chính. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế phân hóa giai cấp ở thành thị của tỉnh. Sau đợt thí điểm (từ tháng 10-1959 đến ngày 6-1-1960) tỉnh tiến hành đợt làm tập trung từ tháng 4 đến tháng 6-1960 đối với tất cả các hộ thuộc diện phải cải tạo.
Cuối năm 1960, Tuyên Quang cơ bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các hộ nông dân cá thể, thợ thủ công, tiểu thương và công, thương nghiệp tư bản tư doanh, xây dựng chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa (bao gồm sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể), xóa bỏ chế độ bóc lột, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Tới tháng 11-1960, có 98% số hộ tiểu thủ công nghiệp và 66,4% số hộ tiểu thương đã tham gia các loại hình hợp tác xã.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 3 năm (1958 - 1960)
Kết thúc kế hoạch 3 năm (1958 - 1960), giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 26,9%. Trong 3 năm, đã sản xuất 189.824 tấn lương thực. Sản lượng thóc năm 1960 đạt 54.032 tấn. Diện tích lúa 2 vụ được mở rộng, năng suất lúa tăng từ 19,16 tạ/ha lên 24,33 tạ/ha. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 383 kg (năm 1957) lên 445 kg (năm 1960).
Nghề rừng, một trong ba thế mạnh của tỉnh, có nhiều tiến bộ. Các hình thức kinh doanh, khai thác lâm sản khá đa dạng (quốc doanh, công trường khai thác của quân đội, hợp đồng khai thác giữa nhân dân, các hợp tác xã với Nhà nước...). Tỉnh bắt đầu điều tra, phân loại và khoanh rừng, thành lập hai trạm cải tạo rừng (Phan Lương và Trung Môn) để ươm cây giống phục vụ công tác trồng rừng. So với năm 1957, giá trị tổng sản lượng lâm nghiệp năm 1960 tăng 40%.