Tuyển sinh 2021: 'Đỏ mắt' tìm thông tin học phí
Theo quy định, các cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác... cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản ánh, phải “mỏi mắt” mới tìm được những thông tin này, thậm chí có trường còn không thông báo trên website.
Nhỏ giọt
Sau khi nhiều trường ĐH đồng loạt thông báo tăng học phí, phụ huynh đã chủ động tìm hiểu thông tin và quan tâm đến yếu tố giải trình chi phí đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ thất vọng khi những thông tin này không được công bố công khai trên trang thông tin điện tử, ngay cả trong đề án tuyển sinh 2021 cũng không có, hoặc nếu có cũng chỉ vài dòng vắn tắt, chủ yếu là dự kiến lộ trình tăng học phí.
Chị Dương Thị Ngọc Anh – phường Thanh Trì (Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai học lớp 12 cho hay: Để không bị động, bất ngờ, vợ chồng tôi đã chủ động vào website của một số trường để tìm hiểu thông tin về học phí nhưng “mỏi mắt” không thấy. Có trường, cả một đề án hoặc thông báo tuyển sinh dài hàng chục trang nhưng chỉ có 1 - 2 dòng liên quan đến học phí, với nội dung chung chung như: Mức học phí năm học 2021 - 2022 sẽ áp dụng theo quy định mới về khung học phí của Chính phủ.
“Chúng tôi muốn biết cụ thể mức học phí và những năm tới nhà trường có tăng học phí hay không, nếu có thì lộ trình như thế nào? Tôi nghĩ, đây là những thông tin cần được công khai” – chị Ngọc Anh nêu quan điểm.
Thực tế cho thấy, tại bất kỳ chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp nào cũng vậy, hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo thí sinh, một trong những tiêu chí để lựa chọn đăng ký xét tuyển vào các trường đại học là: Phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Theo TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Hà Nội), một trong những bước để chọn nghề, chọn trường là thí sinh trả lời câu hỏi: Tôi chọn nghề gì và tôi nên học tập ở đâu? Trong đó có tính đến yếu tố chi phí trong học tập, mức học phí, học bổng của trường mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển có phù hợp với điều kiện gia đình hay không?
Vì thế, việc phụ huynh quan tâm đến các thông tin về học phí là hoàn toàn chính đáng và họ được quyền biết về điều đó. Các trường có trách nhiệm cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho các phụ huynh và người học.
Công khai học phí đã có trong luật định
TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho hay: Khi các trường bắt đầu thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, học phí của những trường này đều tăng, nhưng vẫn nằm trong giới hạn trần học phí mà Nghị định 86 cho phép và được thông báo công khai để phụ huynh và người học nắm được.
Tuy nhiên, hầu như các trường đều có lộ trình tăng từng bước và chỉ tăng với những sinh viên khóa mới. Ngoài ra, mức học phí của các trường cũng được xác định trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng của gia đình và bản thân sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi trường đều có những quỹ học bổng, cũng như chính sách hỗ trợ học phí cho những sinh viên khó khăn; hoặc giúp đỡ để sử dụng tín dụng sinh viên. Đây chính là chính sách để bảo đảm sự tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người.
Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT), tất cả cơ sở giáo dục phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT về quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Điều 65 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học quy định: Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.
Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả đối tượng yếu thế trong xã hội tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.