Tuyển sinh 2021: Thí sinh giỏi ngoại ngữ được nhiều ưu tiên
Đại học Mở TP Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 4.500 chỉ tiêu bằng 6 phương thức, trong đó ưu tiên thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level theo ba môn thi đảm bảo mức điểm mỗi môn đạt từ C trở lên; bài thi tú tài quốc tế (IB) tổng điểm 26 trở lên, SAT 1100/1600.
Trường cũng ưu tiên xét tuyển thẳng học bạ của thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ. Theo đó thí sinh chỉ cần đạt đủ điều kiện xét tuyển theo kết quả học tập THPT (học bạ) và đạt điểm IELTS hoặc tương đương với ngành Ngôn ngữ là 6.0 và ngành còn lại là 5.5.
Ngoài ra, những trường đại học đã từng áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập cũng dự kiến tiếp tục áp dụng trong năm tới, như Đại học Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân.
Trường ngoài công lập như Đại học Phenikaa cũng sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp này. Học sinh tốt nghiệp THPT có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL, PTE Academic, Cambridge tương đương IELTS từ 5.5 trở lên có cơ hội vào trường. Điều kiện là có tổng điểm trung bình lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 của tổ hợp môn xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT từ 22,5 điểm trở lên.
Ngoài ra, thí sinh có các chứng chỉ quốc tế như A-Level với tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 trở lên (tương đương điểm C), SAT 1100/1600 hay ACT 24/36 đều có cơ hội được tuyển thẳng vào trường.
Lý giải về nguyên nhân các trường đang ra sức “săn” thí sinh giỏi ngoại ngữ, TS.Lê Văn Sơn (Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, tại các hệ đào tạo chất lượng cao, việc sinh viên có thể đọc hiểu, nghiên cứu tài liệu, giáo trình phục vụ trên lớp là vô cùng quan trọng. Với các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh nên sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định đủ để theo học, tiếng anh từ 5.0 hoặc 5.5 IELTS hoặc tương đương. Đó gần như là yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đăng ký hệ này.
Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ thí sinh sử dụng các tổ hợp môn tiếng Anh trong các kỳ tuyển sinh vừa qua để xét tuyển chưa nhiều. Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thấp so với mặt bằng chung. Nhưng vài năm gần đây các trường ĐH vẫn có xu hướng tăng cường môn ngoại ngữ trong các tổ hợp xét tuyển. Các tổ hợp chứa môn ngoại ngữ dần thay thế các môn khác với mục tiêu tuyển được người học có kỹ năng ngoại ngữ tốt ngay từ đầu vào.
Không chỉ là điều kiện bắt buộc trong dự tuyển đầu vào, việc học tập tiếng Anh ở sinh viên rất cần nhiều kỹ năng chuyên sâu để trực tiếp nghiên cứu và phát triển chuyên môn. Việc điều chỉnh chính sách tuyển sinh đầu vào ưu tiên người giỏi ngoại ngữ nhằm tăng chất lượng đào tạo nói chung, năng lực ngoại ngữ nói riêng cho người học ĐH trong bối cảnh mới.
Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh đã từng tuyển sinh thí sinh theo ba phương thức xét tuyển độc lập. Trong đó đã xét tuyển theo phương thức kết hợp (áp dụng đối với ngành Y đa khoa và dược học với 25% chỉ tiêu của từng ngành), nhà trường quy định điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là thí sinh phải đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào; có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ) đạt IELTS 6.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 60 trở lên.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng tuyển 14 ngành ĐH chính quy chương trình tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh đầu vào (điểm kiểm tra theo định dạng IELTS 6.0).
Đại diện Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay, nhiều ngành, chuyên ngành có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên nhà trường có chú trọng tiêu chí về tiếng Anh trong tuyển sinh. Nhà trường cũng có chính sách khuyến khích thí sinh xét tuyển thẳng đạt điểm IELTS cao, với IELTS 8.0 trở lên được trao học bổng toàn phần 1 năm học; IELTS 7.0 trở lên được học bổng toàn phần 1 học kỳ.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, trong thời buổi hội nhập, nếu không có tiếng Anh sẽ không làm gì được. Nếu giỏi tiếng Anh, sinh viên có thể tham gia các khóa học không biên giới trên mạng. Đồng thời, sinh viên sau khi tốt nghiệp có năng lực tiếng Anh tốt thì lương sẽ cao gấp đôi, có cơ hội tốt hơn và tiến xa trong thị trường lao động ngoài nước.
Ngoài ra, một số trường ĐH dự kiến bổ sung vào đề án tuyển sinh thêm các tiêu chí, phương thức xét tuyển trên cơ sở kết hợp các chứng chỉ tiếng ngoại ngữ quốc tế với kết quả học phổ thông hoặc kết quả thi THPT quốc gia, điểm kỳ thi chuẩn hóa SAT (Mỹ)… Điều đó không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho các học sinh giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, mà còn thúc đẩy việc học, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của các trường phổ thông. Nó cũng chứng tỏ giáo dục Đại học Việt Nam đang từng bước hội nhập, tạo điều kiện cho việc công nhận văn bằng giữa Việt Nam với các quốc gia khác và chuẩn bị cho sự dịch chuyển lao động trên thị trường lao động phù hợp yêu cầu mới về nhân lực.