Tuyển sinh 2022: Hóa giải phân vân cho thí sinh
Hiện nhiều trường đại học sử dụng kết quả của một số kỳ thi riêng để xét tuyển. Ngoài ra, mùa tuyển sinh năm nay cũng ghi nhận ngành đào tạo mới.
GD&TĐ - Hiện nhiều trường đại học sử dụng kết quả của một số kỳ thi riêng để xét tuyển. Ngoài ra, mùa tuyển sinh năm nay cũng ghi nhận ngành đào tạo mới.
Nhiều thí sinh, phụ huynh lúng túng trong việc chọn ngành, chọn trường và phân vân có nên đăng ký kỳ thi riêng hay không?
Không nên đăng ký tất cả kỳ thi riêng
Thầy Bùi Hữu Tuấn - giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Bình Định) - chia sẻ: Năm nay, nhiều trường đại học sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đây là hình thức khá mới với nhiều học sinh. Vì thế, ngoài việc dạy học theo chương trình chính khóa, thầy Tuấn chú tâm hướng dẫn học sinh ôn luyện theo hướng đề thi tổng hợp, đề thi minh họa do một số cơ sở đại học tổ chức kỳ thi riêng đã công bố. Điều này, sẽ giúp ích rất nhiều cho những em có định hướng đăng ký xét tuyển vào trường bằng phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực.
Thầy Tuấn nhìn nhận: Trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển khác nhau để nâng cao chất lượng đầu vào. Do đó mỗi trường sẽ có những hình thức khác nhau để xét tuyển và được công bố chi tiết trong đề án tuyển sinh 2022. Vì thế, trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực hay thi tốt nghiệp 2022, học sinh cần tham khảo đề án tuyển sinh của trường dự định xét tuyển.
“Theo tôi hiểu, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào một ngành/trường nào đó bằng tất cả phương thức mà nhà trường thông báo; trong đó có phương thức thi đánh giá năng lực và tốt nghiệp THPT (nếu trường đó dùng 2 phương thức này). Tuy nhiên, dù đăng ký nhiều phương thức thì cuối cùng cũng chỉ trúng tuyển duy nhất bằng 1 phương thức” – thầy Tuấn lưu ý.
Cũng theo thầy Tuấn, thí sinh không nên đăng ký tràn lan các kỳ thi riêng. Thay vào đó, hãy đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Nếu trường đó có sử dụng kết quả kỳ thi riêng để xét tuyển thì thí sinh có thể đăng ký dự thi để tăng cơ hội trúng tuyển. “Chẳng hạn, nếu có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH A và trường này có lấy kết quả của bài thi tư duy do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, thí sinh có thể đăng ký tham gia bài thi này. Tuy nhiên, cũng không nên đăng ký tất cả đợt thi của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức” – thầy Tuấn khuyến nghị.
Chọn đúng nghề, trúng trường
Liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường, ThS Đỗ Đình Đảo – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh) – nhận thấy: Trong vài năm gần đây, xu hướng chọn ngành, trường của học sinh có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, có 2 yếu tố mấu chốt vẫn được phụ huynh và học sinh quan tâm là: Chọn đúng ngành nghề, đúng trường để không bị thất nghiệp và chọn ngành nghề đúng sở trường, ước mơ, đam mê của mình.
Từ trải nghiệm và quan sát thực tế, thầy Đảo đưa ra một số tiêu chí để thí sinh có thể tham khảo khi chọn ngành, chọn trường. Theo đó, thí sinh nên lựa chọn trường đại học mà có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích. Điều này giúp các em thêm động lực học tập, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc. Ngoài ra, các em nên chọn trường có chất lượng đào tạo tốt để có nền tảng kiến thức vững vàng, những kỹ năng mềm và quá trình trải nghiệm tuyệt vời.
Khi chọn trường, thí sinh cũng nên quan tâm đến cơ sở vật chất. Bởi nếu một trường đại học được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, hiện đại với hệ thống phòng thí nghiệm, thực hành, mô phỏng đạt chuẩn sẽ giúp các bạn tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng, trực quan hơn. Đặc biệt, cần lưu ý đến các trường có hoạt động phong trào sôi nổi, đa dạng; bởi đây là điều kiện cần thiết để phát triển kỹ năng cho sinh viên. Không chỉ khiến việc học tập bớt “khô khan”, hoạt động ngoại khóa là cách để các em giải trí, gặp gỡ thêm bạn bè, phát triển kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, làm việc nhóm...
“Có một điểm tôi muốn đặc biệt lưu ý thí sinh, không nên chọn trường theo tiêu chí “ngành hot”, “trường sang”. Càng không nên chọn ngành học theo phong trào hoặc vì đó là ngành mới…. Hãy chọn ngành, trường học phù hợp nhất và đúng với năng lực của các em” – thầy Đảo khuyến nghị.
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Gia Định TPHCM – nhìn nhận: Xu hướng chọn ngành nghề có nhiều thay đổi và ảnh hưởng bởi các luồng thông tin như: Tư vấn trực tiếp từ các trường, thông tin trên phương tiện truyền thông, thông tin dự báo về ngành nghề, năng lực lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin tích cực thì cũng có những điều chưa chính xác.
“Vì thế, yếu tố quan trọng nhất là nhận định được thị trường trong tương lai. Học xong để có việc làm thì ai cũng mong muốn nhưng nếu chọn nghề A mà làm nghề B thì rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người lao động” - TS Mai Đức Toàn trao đổi, đồng thời cho rằng: Ngoài yếu tố thị trường thì định hướng nghề nghiệp rất quan trọng.
Hiện nay, các nhà trường phổ thông đều định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10. Để chọn nghề đúng cần xác định được mong muốn sẽ trở thành ai, làm gì trong thời gian tới. “Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, dù các trường có định hướng nghề nghiệp tốt đến đâu nhưng người cuối cùng quyết định học nghề nào, học như thế nào chính là các em” - TS Mai Đức Toàn nhấn mạnh.
Theo cô Nguyễn Thị Ly Nga - Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội), các em nên đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành học, trường đại học yêu thích nhất. Từ nguyện vọng 2 trở đi, cần xem xét đến nhiều yếu tố khác nhau. Khi chọn ngành nghề, điều đầu tiên cần xác định xem mình muốn làm gì. Sau đó xét đến các yếu tố khác như: Nhu cầu về ngành nghề đó, khả năng xin việc... Không nên đăng ký nguyện vọng chỉ vì đó là ngành mới, với những tên gọi “mỹ miều” mà không tìm hiểu kỹ.