Tuyển sinh 2023: Quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 Tiếng Anh có công bằng?
Quy đổi điểm IELTS tạo nhiều lợi thế cho thí sinh giỏi tiếng Anh, có chứng chỉ quốc tế. Tuy vậy, ở mặt ngược lại, việc quy đổi này cũng gặp những ý kiến trái chiều.
Quy đổi IELTS 4.0 thành điểm 10 Tiếng Anh
Vừa qua, Bộ GD&ĐT quy định hai đối tượng được miễn làm bài thi môn ngoại ngữ bao gồm: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng GD&ĐT; thí sinh có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 27/6/2023 và đạt mức điểm tối thiểu theo quy định của Bộ.
Trong đó, môn tiếng Anh là IELTS đạt 4.0 điểm, TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm.
Theo đó, những thí sinh khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT năm học 2023-2024.
Việc quy đổi này cũng gặp những ý kiến trái chiều
Quy định này tạo nhiều lợi thế cho các thí sinh giỏi tiếng Anh, sở hữu chứng chỉ quốc tế. Tuy vậy, ở mặt ngược lại, việc quy đổi này cũng gặp những ý kiến trái chiều.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề quy đổi điểm, thạc sĩ Trần Minh Tú, giảng viên tại Đại học Quốc gia Tp.HCM, nhận định đây là điều không hợp lý. Theo cô, IELTS 4.0 chỉ tương đương trình độ tiếng Anh cơ bản, nghĩa là chỉ dừng ở mức đọc hiểu văn bản tiếng Anh đơn giản, nhận biết các cấu trúc câu và từ vựng cơ bản. Nếu để quy đổi thành điểm thi môn Tiếng Anh tốt nghiệp THPT, cô Tú cho rằng 4.0 IELTS chỉ tương đương 5 điểm.
Do đó, việc quy mức IELTS thấp như vậy thành điểm 10 cho bài thi môn Tiếng Anh tốt nghiệp sẽ không công bằng với những thí sinh không có điều kiện học và thi IELTS. Hơn nữa, điều này sẽ làm giảm giá trị của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về mặt lâu dài, cô Tú lo ngại việc quy đổi điểm sẽ khiến học sinh tìm mọi giá để thi IELTS thay vì thi tốt nghiệp THPT. Cô đặt câu hỏi liệu đây có phải là kết quả mà Bộ GD&ĐT mong muốn hay không.
Bên cạnh đó, thầy Lê Khánh Minh, thạc sĩ Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh, giảng viên tại Đại học Hà Nội, cũng đưa ra quan điểm tương tự. Thầy Minh đánh giá cao độ khó của bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, qua đó cho rằng 4.0 IELTS không phải lúc nào cũng tương đương với điểm 10.
Thầy Minh nhận định IELTS ngày nay càng được trọng dụng như một thước đo để đo lường khả năng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, không bài kiểm tra nào có thể đánh giá một cách toàn diện năng lực ngôn ngữ của thí sinh. Chưa kể, các bài thi đánh giá tiếng Anh cũng không giống nhau về kiểu cách ra đề và cho điểm.
Bản thân đề thi tốt nghiệp THPT thường tập trung vào lý thuyết ngữ pháp, từ vựng thay vì chú trọng thực hành, sử dụng những “nguyên liệu” đó để tạo ra bài viết, bài nói như thi IELTS. Vì thế, chúng ta rất khó để có một phương án quy đổi điểm đúng nhất để làm hài lòng tất cả thí sinh và phụ huynh.
Trong khi đó thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà, Giảng viên thỉnh giảng tại Khoa Tiếng Anh (Học viện Ngoại Giao Việt Nam), giáo viên luyện thi IELTS tại Hà Nội cho rằng, về bản chất hai kỳ thi này không hề giống nhau. Theo cô giáo Hà, kỳ thi IELTS bao gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù bản chất cũng gộp 4 kỹ năng trên, nhưng bài thi tổng hợp thiên về ngữ pháp và từ vựng. Việc quy đổi chứng chỉ IELTS 4.0 thành 10 điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT là chưa hợp lý, gây ra sự bất công với thí sinh.
Cô Hà lý giải: "Nếu điểm IELTS của bạn cao thì bạn được coi là giỏi tiếng Anh, nhưng điểm tiếng Anh của bạn cao chưa chắc bạn đã thi được IELTS. Vì IELTS yêu cầu thí sinh phải có sự tư duy để trả lời thay vì hiểu câu hỏi thế nào thì mình trả lời thế đấy. Về bản chất bài thi tiếng Anh trong kỳ thi IELTS và tốt nghiệp THPT hoàn toàn khác nhau nên khó có thể đưa ra phương án quy đổi điểm đúng nhất.
Hơn thế nữa, mức chi phí cho việc học và thi IELTS không hề rẻ nên sẽ bất công với những thí sinh không có điều kiện học và thi chứng chỉ này. Thực chất, 4.0 IELTS không phải lúc nào cũng tương đương với trình độ đạt được điểm 10".
Theo cô Thanh Hà, nếu để quy đổi thì điểm 10 trong bài thi tốt nghiệp THPT nên tương đương với mức 5.5 IELTS.
Cô Bùi Thị Ánh Dương, giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phân tích: "Thực tế qua các năm, số lượng học sinh đạt trọn vẹn 10 điểm tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhiều, kể cả những em có học lực xuất sắc. Trong khi số lượng học sinh đạt chứng chỉ IELTS 4.0 nhiều hơn đáng kể, một phần vì nếu thi không đạt, các em còn có thể thi lại nhiều lần. Do đó, nếu quy định chứng chỉ IELTS 4.0 sang mức điểm nào đó thấp hơn điểm 10 thì sẽ hợp lí hơn".
Nhưng, nếu không là điểm 10 thì quy đổi chứng chỉ IELTS 4.0 ra bao nhiêu điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là chuyện không đơn giản.
Thấp hơn điểm 10 là bao nhiêu, điểm 9 hay điểm 8 mới phù hợp và công bằng đối với học sinh làm bài thi. Hoặc cũng có cách tính là không tính điểm môn ngoại ngữ đối với học sinh được miễn thi, chỉ tính điểm trung bình của các môn thi còn lại. Để đảm bảo công bằng, cần có ý kiến từ các chuyên gia, đưa ra quyết định quy đổi hoặc cách tính thuyết phục.
Nhiều giáo viên khác cũng không đồng tình với các quy đổi này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Đỗ Phương Linh, giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại một trường phổ thông tại Hà Nội nêu quan điểm, học sinh ở các nơi khác nhau sẽ có điều kiện học ngoại ngữ khác nhau cả về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất hay nguồn tài liệu học tập.
Trong khi thi IELTS được thiết kế 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết thì bài thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh là bài thi về ngữ pháp và từ vựng, chủ yếu là kỹ năng đọc và viết nên hai bài thi này khác nhau về bản chất và không thể so sánh được với nhau.
“Nếu quy đổi điểm thi IELTS thay cho điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh thì học sinh học Tiếng Anh theo chương trình học trên lớp làm gì nữa, có thể cắt luôn để tự luyện thi IELTS”, cô Linh nói.
Cũng theo cô Linh, kỳ thi IELTS là kỳ thi có đóng phí và người thi có thể thi lại nhiều lần, trong khi thi tốt nghiệp THPT chỉ có một lần với áp lực rất lớn. Thế nên cô Linh cho rằng, cách quy đổi này sẽ gây thiếu công bằng cho thí sinh.
Xu hướng “chuộng” chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh các lớp đầu cấp và xét tuyển đại học còn khiến nhiều giáo viên lo ngại tình trạng học lệch.
Trúc Chi (theo Zing, Dân Trí, Lao Động)