Tuyển sinh 2025: Các trường đua nhau mở ngành mới hút thí sinh
Đón đầu xu thế phát triển, nhiều trường đại học mở ngành học mới liên quan kinh tế, công nghệ, kỹ thật... nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động.
Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh 73 mã ngành/chương trình với 89 chương trình đào tạo, trong đó, 2 ngành/chương trình mở mới: Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Các phương thức tuyển sinh cơ bản được giữ ổn định, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và xét tuyển kết hợp.
Về ngưỡng đầu vào, đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngưỡng đầu vào dự kiến là 20 điểm, đã bao gồm điểm ưu tiên.
Dựa trên nhu cầu tại các bệnh viện, trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở thêm ngành Công tác xã hội và Kỹ thuật hình ảnh y học.
Theo PGS.TS Lê Đình Tùng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, trước đây trường tập trung đào tạo bác sĩ và trình độ sau đại học. Việc mở thêm 2 ngành đào tạo mới tại cơ sở chính Hà Nội được coi là sự khác biệt lớn. Hai ngành này đều phù hợp với cơ sở hạ tầng và khả năng đào tạo của nhà trường, trong khi thu nhập khá hấp dẫn.
Đại học Quốc gia TP.HCM dự kiến thêm một số liên ngành mới: Công nghệ giáo dục, Kinh tế đất đai, Công nghệ nông nghiệp số, Kinh doanh nông nghiệp số, Công nghệ y - dược.
Đại học này cũng định hướng phát triển các ngành học mới liên quan đến năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, logistics, phục vụ chiến lược phát triển quốc gia về năng lượng điện, cung cấp nhân lực phục vụ vận hành hệ thống đường sắt đô thị (metro), sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) mở ngành Công nghệ giáo dục trong mùa tuyển sinh 2025. Dự kiến, trường tuyển 70 chỉ tiêu cho ngành học này. Đây là ngành học kết hợp giữa công nghệ và giáo dục, phù hợp với xu hướng đổi mới phương pháp giảng dạy trong thời đại số.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM mở 6 ngành mới: Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành Môi trường và Phát triển bền vững), Công nghệ tài chính, Quản trị kinh doanh, Vật lý kỹ thuật (định hướng Công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường), Công nghệ truyền thông (Truyền thông số và Công nghệ đa phương tiện).
Bên cạnh đó, tại phân hiệu Bình Phước, nhà trường dự kiến đào tạo 12 ngành: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Quản lý xây dựng; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ thông tin; Quản lý công nghiệp; Kế toán; Thương mại điện tử; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Kinh doanh quốc tế; Ngôn ngữ Anh. Những ngành này tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ.
Trường Đại học FPT dự kiến mở chuyên ngành đang khát nhân lực, có triển vọng trong tương lai như: Công nghệ tài chính (Fintech), Tài chính ngân hàng số (Digital Banking and Finance), Tài chính doanh nghiệp, Tài chính đầu tư, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế được đưa vào đào tạo.
Năm tới, trường Đại học Thương mại mở 7 chương trình mới, những chương trình này thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), gồm Quản trị thương hiệu (ngành Marketing), Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (Kiểm toán), Kinh tế và Quản lý đầu tư (Kinh tế), Luật kinh doanh (Luật kinh tế), Thương mại điện tử (Thương mại điện tử), Quản trị Hệ thống thông tin (Hệ thống thông tin quản lý), Tiếng Trung thương mại (Ngôn ngữ Trung Quốc).
Dự kiến mỗi chương trình mới tuyển 80-100 sinh viên chính quy. Trường sẽ sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS.
Năm 2025, trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội mở thêm chuyên ngành Công nghệ bán dẫn. Ngoài ra, nhà trường đang xây dựng chương trình để mở thêm một số nghề về ngôn ngữ, Thương mại điện tử và Marketing số, đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong kinh doanh thương mại và hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Tài chính - Marketing sẽ mở thêm ngành Luật thương mại và Kỹ thuật phần mềm năm 2025. Chỉ tiêu của trường là 4.350 (tăng 50 chỉ tiêu so với năm 2024). Các phương thức xét tuyển được giữ ổn định như năm trước. Trường dự kiến chú trọng 2 môn chính là toán, ngữ văn. Các tổ hợp xét tuyển của trường sẽ hỗ trợ cho thí sinh, lấy trên tổng số 9 môn học thích ứng với các môn mà các học sinh đã lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT.
Năm tới, trường Đại học Luật TP.HCM dự kiến mở thêm 2 ngành mới nên sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Về phương án tuyển sinh, trường đang bàn thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2025 sao cho phù hợp với thực tế.
Trường Đại học Gia Định dự kiến tuyển sinh đại học năm 2025 với 10 ngành mới thuộc 3 ngành khối Sức khỏe và một số ngành học được chọn lọc, cải tiến theo hướng hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Cần Thơ phê duyệt chủ trương mở các ngành mới từ năm 2025, gồm: Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Trí tuệ nhân tạo; Thú y (chất lượng cao); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (chất lượng cao); Tâm lý giáo dục; Thương mại điện tử và Luật dân sự và tố tụng dân sự.