Tuyển sinh đại học 2021: Các kỳ thi riêng hút thí sinh
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố các phương thức tuyển sinh 2021. Dù chỉ tiêu dành cho các phương án tuyển sinh riêng của nhà trường năm nay 'lên ngôi' nhưng theo các chuyên gia, thí sinh yên tâm học và ôn tập cho tốt, không cần đến các lò luyện thi tốn tiền, mất thời gian.
Ngày 19/3, Trường ĐH Ngoại thương đã thông qua phương án tuyển sinh ĐH hệ chính quy năm 2021. Nhà trường vẫn duy trì chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước là 3990 chỉ tiêu tại cả 3 cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh.
6 phương thức xét tuyển cho năm 2021 bao gồm 5 phương thức xét tuyển đã thực hiện từ năm 2020 và bổ sung thêm một phương thức mới, đó là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM.
Dự kiến, trường sẽ dành 7% chỉ tiêu cho phương thức này. Điều kiện tham gia xét tuyển là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7,0 trở lên, có kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội từ 105/150 điểm hoặc kết quả bài thi dánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM từ 850/1200 điểm. Thí sinh xét tuyển theo phương thức này chỉ được chọn đăng ký xét tuyển tại 1 trong 2 cơ sở của trường: Trụ sở chính Hà Nội hoặc Cơ sở II – TP HCM.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển sinh 6.000 chỉ tiêu, tăng 200 so với năm 2020. Trường tuyển sinh theo ba phương thức gồm: Tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT (lấy 1-5% chỉ tiêu), dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 (50%), xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (45-50%).
Trong phương thức xét tuyển theo đề án riêng, Trường ĐH Kinh tế quốc dân chia thí sinh thành năm nhóm, mỗi nhóm có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện nhận hồ sơ riêng. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường dự kiến là 18 điểm gồm điểm ưu tiên, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển xác định theo mã ngành, chương trình; không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển.
Thí sinh có dự định đăng ký ĐH Bách khoa Hà Nội lưu ý, từ 10h ngày 20/3/2021, trường bắt đầu mở hệ thống Đăng ký xét tuyển tài năng với mức tuyển từ 10 - 20% tổng chỉ tiêu toàn trường. Nhà trường sẽ không nhận hồ sơ trực tiếp mà chỉ nhận hồ sơ trực tuyến qua hệ thống đăng ký tuyển sinh: dangkytuyensinh.hust.edu.vn.
Hiện hệ thống đăng ký tuyển sinh đang mở, thí sinh có thể đăng ký thử trước. Hai phương thức xét tuyển khác là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (dự kiến chiếm 50 - 60% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy (tổ chức thi riêng dự kiến 30 - 40% tổng chỉ tiêu).
Như vậy, ngoài phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH dành chỉ tiêu cho đề án tuyển sinh riêng. Sự đa dạng trong các phương án tuyển sinh thể hiện quyền tự chủ của các trường ĐH, đồng thời cũng mở cho các thí sinh cơ hội lựa chọn các phương án phù hợp với khả năng của mình.
Tuy nhiên, dù lựa chọn phương án xét tuyển nào, các chuyên gia đều lưu ý thí sinh nên bám sát đề án tuyển sinh của nhà trường bởi mỗi trường lại có yêu cầu riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Ngay trong cùng một trường, một ngành, điều kiện xét tuyển cũng khác nhau đối với các phương thức xét tuyển khác nhau nên thí sinh không thỏa mãn điều kiện này nhưng có thể vẫn còn cơ hội ở phương án xét tuyển khác là bình thường.
Riêng đối với các kỳ thi riêng, lời khuyên dành cho các thí sinh đó là bám sát thông tin từ nhà trường để có được mẫu bài thi/đề thi tham khảo. Tuyệt đối không nên tham gia các lớp luyện thi đối với các bài thi đánh giá năng lực, thay vào đó là tự học và mở rộng kiến thức xung quanh, tham khảo các bài thi mẫu, đề cương và ví dụ mà các trường đưa ra…
Đến thời điểm này, ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố đề mẫu đề thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2021, do Trung tâm Khảo thí của ĐH này dự kiến tổ chức từ tháng 5 tới. Đề thi gồm 150 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 18 câu hỏi dạng điền đáp án, thực hiện trong 195 phút.
Đề thi gồm 3 phần. Phần tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong 75 phút. Phần tư duy định tính gồm 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong vòng 60 phút. Phần khoa học gồm 50 câu hỏi, thí sinh làm bài trong vòng 60 phút. Thí sinh dự thi ở Hà Nội làm bài trực tiếp trên máy tính. Như vậy, đây là căn cứ quan trọng để các thí sinh có định hướng ôn tập đúng đắn thay vì băn khoăn nghĩ tới các lò luyện thi.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội có tới 12.000 đến 15.000 câu hỏi. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. Chúng tôi khuyên thí sinh không nên mất thời gian đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi”.
Chia sẻ quan điểm này, một giáo viên dạy Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng qua đề thi tham khảo mà Trường ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố, điều dễ nhận thấy là bài thi hướng tới việc đánh giá năng lực học sinh THPT tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh ĐH như giai đoạn 2015 - 2016.
Vì vậy, việc ôn tủ, học tủ sẽ không đem lại hiệu quả gì. Vì vậy, ngay cả một giáo viên như ông khi làm thử đề thi mẫu cũng sẽ có những câu phải suy nghĩ khá lâu và trả lời… chưa chắc đúng!
Bộ GDĐT đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2021 với một số điều chỉnh có lợi hơn cho thí sinh. Theo quy chế mới, năm nay hình thức đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ được điều chỉnh. Cụ thể, thay vì chỉ được đăng ký xét tuyển trực tiếp như năm trước, thí sinh được chọn 1 trong 2 phương thức là đăng ký trực tiếp trên phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến (tại các nơi có đủ điều kiện) theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí đăng ký xét tuyển. Trong các đợt xét tuyển sau đợt 1, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến.