Tuyển sinh đại học 2022: 'Lọc ảo' có làm mất cơ hội của thí sinh?
'Vừa phải đăng ký xét tuyển theo quy định của trường, vừa phải đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá phức tạp. Việc đăng ký hoàn toàn trực tuyến, nếu xảy ra lỗi sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét tuyển'- chị Trần Thị Hường, phụ huynh ở Hà Nội - cho biết. Theo chị, nhiều phụ huynh ở lớp của con chị cùng chung lo lắng này.
Điều chỉnh kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) năm nay ở khâu xét tuyển đại học khiến nhiều trường phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh. Theo một lãnh đạo Học viện Tài chính, khi được giao tự chủ cho các cơ sở đào tạo đại học, các trường đều xây dựng đề án tuyển sinh với nhiều phương thức xét tuyển. "Những phương thức không liên quan tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng tôi có thể nhận hồ sơ, xét tuyển sớm. Chỉ dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT nên có thể kết thúc việc tuyển sinh sớm, không kéo dài. Nhưng với quy định năm nay, kế hoạch cũng phải thay đổi".
Bộ GD-ĐT quy định thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường cũng mới bắt đầu tiến hành nhận hồ sơ xét tuyển ở các phương thức khác nhau, rồi nhập danh sách trúng tuyển tạm thời của các phương thức quy định riêng lên hệ thống do Bộ GD-ĐT quản lý để chạy "lọc ảo". Các trường chỉ còn biết chờ đợi, không chủ động được như trước.
Theo ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trong những năm qua trường đã xây dựng phần mềm xét tuyển phù hợp với các phương thức xét tuyển. Việc này thuận lợi và trường cũng chủ động. Nhưng năm nay, Bộ GD-ĐT quy định phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để lọc ảo sẽ có những xáo trộn.
"Phần mềm lọc ảo của Bộ GD-ĐT các năm trước chỉ lọc ảo với một phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay với 20 phương thức xét tuyển khác nhau, việc lọc ảo sẽ không đơn giản", ông Triệu cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT giải thích: Các năm trước, các trường đơn phương hoặc thống nhất với thí sinh về việc thí sinh trúng tuyển, nhưng không tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống để loại trước khi xử lý nguyện vọng. Việc này dẫn tới tình huống thí sinh đồng thời trúng tuyển nhiều nguyện vọng (vào các trường, ngành khác nhau). Tỷ lệ "thí sinh ảo" gia tăng.
"Với phương án lọc ảo của năm nay, tỷ lệ thí sinh ảo chắc chắn sẽ giảm rõ rệt. Việc "ảo" chỉ xảy ra trong các trường hợp thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhập học vì chọn đi du học chẳng hạn"-bà Thủy cho biết.
Việc "lọc ảo" để mỗi số định danh (thí sinh) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng, thí sinh sẽ không còn cơ hội lựa chọn lần nữa giữa các trường/ngành đủ điều kiện trúng tuyển. Nhiều thí sinh khi xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng có thể không chính xác, không phù hợp với mong muốn của mình, nên khi đã trúng tuyển nguyện vọng cao nhất, không còn quyền xét tuyển nguyện vọng kế tiếp.
Thí sinh có gặp khó?
Huyền Mỹ, trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho biết, em muốn xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh và học bạ vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Nhưng theo đề án trường công bố thì hiện phải chờ thi tốt nghiệp xong, thí sinh đăng ký cùng lúc với nhiều phương thức. "Em sợ sẽ có rủi ro so với việc được đăng ký xét tuyển sớm và tách ra theo nhóm phương thức khác nhau", Huyền Mỹ cho biết.
Theo cô Cao Tố Nga, Hiệu trưởng trường này thì năm trước, 70% số học sinh lớp 12 đủ điều kiện trúng tuyển bằng việc xét học bạ, kết hợp chứng chỉ tiếng Anh. Vì thế quy định mới của năm nay khiến nhiều học sinh lo lắng.
Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, hệ thống xử lý lọc ảo sẽ giúp thí sinh trúng tuyển nguyện vọng xếp ưu tiên cao nhất. Nên thí sinh không lo chuyện từ đỗ thành trượt khi lọc ảo. Việc yêu cầu các cơ sở đào tạo phải nhập dữ liệu lên hệ thống lọc ảo cũng để khắc phục một bất cập của các năm trước là nhiều trường đại học yêu cầu thí sinh nộp tiền "giữ chỗ" hoặc khi đã tiếp nhận hồ sơ, học bạ của thí sinh thì không cho rút. Tâm lý một số thí sinh muốn chắc chắn đỗ vào một trường nên đã nộp hồ sơ sớm, nhưng khi thí sinh trúng tuyển vào các trường mình thích hơn thì không thể rút hồ sơ ở nơi đã nộp. Với điều chỉnh kỹ thuật năm nay, bất cập trên sẽ được giải quyết. Nên không những thí sinh không gặp khó mà còn được hỗ trợ để trúng tuyển vào nơi mình thích nhất.
Theo quy định, thí sinh đang là học sinh lớp 12 năm học 2021-2022 sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến từ ngày 4/5 đến 17g ngày 13/5 trên Hệ thống Quản lý thi tại địa chỉ https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn. Thí sinh tự do thực hiện đăng ký dự thi trực tiếp tại đơn vị do Sở GD-ĐT quy định.
Để hỗ trợ thí sinh thực hiện tốt phương thức đăng ký mới này, từ cuối tháng 4/2022, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường cấp tài khoản, mật khẩu cho học sinh lớp 12 và cho phép học sinh đăng ký thử từ 26/4 đến hết ngày 3/5.
Điểm khác biệt là thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học đồng thời với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT mà đăng ký xét tuyển sau khi thi tốt nghiệp THPT.