Tuyển sinh đại học 2022: Vẫn lo thí sinh sơ sẩy không trúng tuyển dù đủ điều kiện
Các chuyên gia tuyển sinh trong chương trình tư vấn trực tuyến do Tạp chí Giáo dục TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI
Với quy chế xét tuyển đại học 2022, cơ hội trúng tuyển của các thí sinh là rất lớn, bởi mỗi thí sinh được chọn nhiều phương thức xét tuyển, được đăng ký không hạn chế nguyện vọng. Thế nhưng, các chuyên gia tuyển sinh vẫn luôn nhắc các em hết sức cẩn trọng khi thao tác đăng ký trên hệ thống và cần có chiến lược đặt đúng nguyện vọng, kẻo rớt oan.
Từ đầu mùa tuyển sinh 2022, khá nhiều chương trình tư vấn bằng hình thức trực tuyến đã diễn ra. Mới đây, Tạp chí Giáo dục TP Hồ Chí Minh phối hợp với các trường đại học tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến tại Phú Yên, nhằm giải đáp thắc mắc, lưu ý những điều cần thiết khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, tránh những lý do không đáng dẫn đến bị trượt xét tuyển đại học.
Đảm bảo đăng ký đúng nguyện vọng
Những thí sinh đã được các trường đại học, cao đẳng thông báo trúng tuyển có điều kiện bằng phương thức xét học bạ, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực hoặc xét tuyển thẳng theo quy định…, nếu chỉ dừng lại ở thông báo này thì thí sinh vẫn trượt đại học như thường.
Bởi theo quy định tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, dù được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở bất kỳ trường đại học nào, tất cả thí sinh bắt buộc phải đăng ký chính thức trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến của Bộ GD-ĐT, từ ngày 22/7 cho đến 17 giờ ngày 20/8. Trong khoảng thời gian trên, các em có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng, số lượng nguyện vọng ở tất cả các ngành, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm mà không thực hiện đăng ký lại nguyện vọng trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia thì coi như từ chối trúng tuyển.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022, các trường đại học đang sử dụng từ 4 đến gần 20 phương thức xét tuyển. Thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển ở nhiều phương thức khác nhau ở cùng một trường hoặc nhiều trường. Hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT giúp hỗ trợ chắc chắn để thí sinh đậu vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể.
Các chuyên gia cũng hết sức lưu ý thí sinh là phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, có chiến lược trong việc chọn và đăng ký, chốt nguyện vọng trên hệ thống. Theo đó, nguyện vọng 1 phải là nguyện vọng được ưu tiên cao nhất và khả năng trúng tuyển cao nhất, mức độ giảm dần ở các nguyện vọng tiếp theo. Thí sinh trúng tuyển ở những ngành mà mình yêu thích nhất rồi thì đăng ký ngay là nguyện vọng 1, để đảm bảo trúng tuyển. Các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT thì cần cân nhắc điểm sàn các trường công bố, so sánh đối chiếu với những năm trước để có quyết định chính xác.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nói: “Quy định về xét tuyển năm nay khác so với những năm trước. Đó là xét tuyển lọc ảo chung tất cả phương thức, thí sinh dù có đăng ký không giới hạn nguyện vọng thì chỉ được xét một và chỉ một nguyện vọng. Do đó, các em cần sắp xếp nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên nhất và có cơ hội trúng tuyển cao nhất”.
Các chuyên gia cũng lưu ý khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống, thí sinh phải điền đủ, chính xác thông tin cá nhân, thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường, mã tuyển sinh, mã phương thức, tên phương thức, mã tổ hợp, tên tổ hợp…
Điểm sàn không phải là điểm trúng tuyển
Năm nay, về cơ bản, kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT không thay đổi so với những năm trước. Những tổ hợp xét tuyển có phổ điểm cao từ 25 điểm trở lên không nhiều. Đối với những thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp không cao như mong muốn, việc lựa chọn các nguyện vọng đăng ký cần hết sức cân nhắc điểm sàn, tham khảo điểm chuẩn của các năm học trước để đảm bảo đậu đại học.
Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học đều công bố điểm sàn, trong đó trường cao nhất lấy 28,5 điểm (6 ngành học sư phạm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thuộc Trường đại học Quy Nhơn); thấp nhất là 14 điểm.
Sở dĩ có chuyện điểm sàn của 6 ngành sư phạm Trường đại học Quy Nhơn vượt lên đến 28,5 điểm, nhà trường giải thích là do chỉ tiêu đào tạo giảm và theo nhu cầu đặt hàng từ các địa phương. Bởi các ngành khác của trường này có điểm sàn chỉ từ 15-20 điểm.
Hiện nhiều thí sinh, phụ huynh vẫn còn chưa nắm rõ về điểm sàn và có sự nhầm lẫn với điểm trúng tuyển. Về điều này, các chuyên gia lưu ý: Điểm sàn (còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) không phải điểm chuẩn (hay điểm trúng tuyển). Đây là mức điểm tối thiểu thí sinh cần đạt mới đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào ngành hoặc trường đại học đó.
“Sau quá trình xét tuyển, trường đại học sẽ đưa ra điểm chuẩn của từng ngành và ngưỡng này không được thấp hơn điểm sàn. Ví dụ, điểm sàn của Trường đại học Phú Yên năm nay là 19 điểm, đây là mức điểm thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ. Điểm xét tuyển/trúng tuyển sẽ lấy từ cao xuống đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Điểm trúng tuyển có thể bằng, nhưng thường cao hơn điểm sàn, các năm trước cao hơn từ 0,5-1 điểm”, TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên cho biết.
ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, lưu ý: Thí sinh nên tham khảo điểm trúng tuyển của trường, ngành định đăng ký trong những năm gần đây để có hướng điều chỉnh phù hợp. Các em phải cẩn trọng, tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi đăng ký nguyện vọng cũng như hướng nguyện vọng về các ngành có ngưỡng điểm sàn thấp. Những ngành, trường được quan tâm nhiều, điểm trúng tuyển cao hơn điểm sàn đến 4,5-5 điểm, thậm chí hơn nữa cũng không phải là hiếm.
Theo quy định tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT, dù được thông báo đủ điều kiện trúng tuyển sớm ở bất kỳ trường đại học nào, tất cả thí sinh bắt buộc phải đăng ký chính thức trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến của Bộ GD-ĐT, trong khoảng thời gian từ ngày 22/7 cho đến 17 giờ ngày 20/8.