Tuyển sinh đại học Anh mùa COVID-19: Từ thiếu chuyển thành thừa
Đại dịch COVID-19 không chỉ tạo ra sức ép lên ngành y tế, thị trường việc làm, mà giờ đây lan sang cả lĩnh vực giáo dục của nước Anh.
Với việc bỏ mức trần quy định số học sinh vào đại học năm học 2020-2021, nhiều trường đại học của Anh đối mặt với tình trạng quá tải sinh viên năm học tới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Anh đang có xu hướng gia tăng, việc giữ giãn cách xã hội tại trường học vẫn đang là bài toán nan giải.
Hiện nay, hầu hết các trường đều lựa chọn cách dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên lớp. Tuy nhiên, khả năng thời gian học trực tuyến sẽ chiếm phần nhiều trong năm học 2020-2021.
Do tình hình đại dịch, lần đầu tiên trong lịch sử thi A level kể từ năm 1951 đến nay, nước Anh đã không tiến hành kỳ thi quốc gia tốt nghiệp hệ dự bị đại học (A level), kỳ thi lấy điểm để xét vào đại học.
Thay vì thi, Bộ Giáo dục Anh năm nay dựa trên điểm đánh giá của giáo viên bộ môn kết hợp với thuật toán tính điểm tự động của hệ thống kiểm định Ofqual để đưa ra điểm A level cuối cùng của các học sinh.
Mục đích dùng thuật toán nhằm mang lại kết quả thi A level tương tự như năm trước, tránh tình trạng "lạm phát" điểm và đảm bảo chỉ tiêu về mức trần số học sinh đầu vào đại học năm học 2020-2021.
Dù vậy với cách tính tự động dựa trên thuật toán, dựa trên một số tiêu chí trong đó có tiêu chí đánh giá cả chất lượng dạy học của các trường A level từ các năm trước, dẫn đến tình trạng 40% học sinh bị hạ điểm so với điểm giáo viên đánh giá, có những học sinh giáo viên đánh giá học sinh đạt mức giỏi xuất sắc A* khi qua hệ thống Ofqual, điểm số bị hạ xuống mức A, B, hoặc thậm chí là C, khiến nhiều học sinh không đủ điểm để vào trường đại học mà thí sinh đăng ký học theo nguyện vọng 1.
Sau khi kết quả điểm công bố vào ngày 13/8, rất nhiều các trường đại học của Anh đã không đủ số sinh viên đầu vào, các trường cạnh tranh nhau quyết liệt để thu hút những sinh viên chưa dứt khoát sẽ chọn trường nào về trường mình học.
Một số trường đại học của Anh lên tiếng yêu cầu chính phủ hỗ trợ tiền nếu không muốn họ cắt giảm nhân lực tại các trường đại học vì không đủ số sinh viên nhập học, đồng nghĩa doanh thu của trường không đủ để chi phí cho các hoạt động của nhà trường.
Tuy nhiên, trước làn sóng biểu tình phản đối cách tính điểm Ofqual, nhiều tiếng nói yêu cầu Thủ tướng Anh Boris Johnson phải can thiệp và yêu cầu sa thải Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson.
Ngày 17/8, Bộ trưởng Giáo dục Anh đã phải lên tiếng xin lỗi học sinh và bỏ cách tính điểm của Ofqual mà thay vào đó là giữ nguyên điểm đánh giá của giáo viên đã nộp cho Ofqual.
Trước đó, tình trạng hỗn loạn điểm tương tự cũng xảy ra tại vùng Scotland và Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon, quyết định bỏ kết quả điểm tính theo cách tính hệ thống Ofqual và giữ nguyên cách tính dựa trên đánh giá của giáo viên.
Đối với rất nhiều học sinh, đó là một niềm vui lớn vì các em sẽ vào được trường đại học mà mình mong muốn. Chính phủ nâng mức trần số lượng học sinh vào học một số ngành học và cấp thêm ngân sách bổ sung cho các trường đại học nên các trường đều cam kết sẽ cố gắng nhận học sinh vào nhiều nhất có thể.
Những ngành mà chính phủ nâng mức hạn ngạch đầu vào tại vùng England là các ngành y, nha khoa, giáo dục và thú y. Chính phủ cũng cấp thêm tiền hỗ trợ cho những sinh viên theo học các ngành như y tá, khoa học, công nghệ, kỹ sư và những môn có học phí cao khác.
Tuy nhiên, sau điều chỉnh điểm, một vấn đề khác nảy sinh đó là quá tải sinh viên đủ điểm vào đại học cho năm học 2020-2021.
Nhiều trường đại học cho biết họ cam kết sẽ giữ chỗ học cho các học sinh được tăng điểm sau khi chính phủ bỏ kết quả công bố điểm lần đầu tiên, nhưng những học sinh này có thể sẽ phải lùi lại nhập học vào năm học 2021-2022.
Bộ Giáo dục Anh cho biết, "kết quả điểm mới sẽ được các trường đại học sử dụng để quyết định nhận học sinh vào trường, nếu số học sinh vào mỗi trường đã đủ cho năm học 2020-2021 thì các học sinh sẽ được chọn học ngành học khác hoặc chờ đến năm học sau".
Bà Michelle Donelan, Thứ trưởng phụ trách các trường đại học, chia sẻ: "Tôi rất vui mừng vì chính phủ và hệ đào tạo bậc đại học đã nhất trí là tất cả học sinh đủ điểm yêu cầu đầu vào của các trường đại học sẽ được nhận vào học tại trường mà học sinh muốn.". Đồng thời, bà kêu gọi "các trường đại học hãy làm hết sức để nhận học sinh vào năm học này theo ngành học đã đăng ký hoặc chuyển sang học ngành khác hoặc lui lại học vào sang năm".
Người phụ trách tuyển sinh trường Đại học East Anglia, Giáo sư Michelle Donelan, cho biết trường chỉ có thể nhận tối đa là 185 sinh viên theo học y trong năm học 2020-2021, nhưng hiện số học sinh trúng tuyển tại khoa này đã vượt 50 chỉ tiêu. Tình trạng tương tự như vậy xảy ra với các trường dạy ngành y trên khắp cả nước Anh, Giáo sư Donelan nhận định.
Durham là trường đại học đầu tiên ở Anh thông báo do quá nhiều học sinh đủ điểm, trường không đủ chỗ để tiếp nhận tất cả trong năm học này, nên đã đưa ra đề nghị cho những học sinh sau khi được tính lại đã đủ điểm vào trường thì sẽ lùi nhập học vào năm học 2021-2022.
Bù lại, những học sinh đồng ý hoãn học năm nay sẽ được nhà trường giảm một phần học phí cho năm học tới. Cách làm này của trường Durham được cho sẽ có nhiều trường đại học khác làm theo.
Theo số liệu của cơ quan làm dịch vụ tuyển sinh Ucas, với cách xét điểm vào đại học chỉ dựa trên cách đánh giá của giáo viên, hơn 3/4 số học sinh A level của Anh được nhận vào đại học.
Nhiều trường đại học cảnh báo, với số học sinh quá tải và lùi lại học sang năm, sẽ là một sức ép lớn cho học sinh thi A level năm học 2021-2022.
Ông Jo Grady, Tổng Thư ký Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng của Anh, không chỉ bày tỏ vui mừng trước việc thay đổi cách tính điểm khiến nhiều học sinh được vào đại học năm nay, mà còn chỉ ra việc đưa quyết định một cách lộn xộn của chính phủ, mọi quyết định đều được đưa ra vào phút chót và những hậu quả của những quyết định đột ngột đã khiến công tác tuyển sinh năm nay của các trường đều trở nên rối ren và mỏi mệt cho các nhân viên nhà trường.
Theo nhận định của một số chuyên gia, với đầu vào tuyển sinh quá tải đột biến như vậy sẽ là sức ép lên các trường đại học, và thị trường lao động trong nhiều năm tiếp theo.
Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson lại một lần nữa bị mất điểm trong cách xử lý khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra./.