Tuyển sinh Đại học: Bộ Giáo dục sẽ có khung quy đổi điểm giữa các phương thức
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra khung quy đổi điểm cho những phương thức phổ biến để các trường tham chiếu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra khung quy đổi điểm giữa các phương thức cơ bản để các trường đại học tham khảo, điều chỉnh phù hợp với đặc thù của trường.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết tại buổi chia sẻ với báo chí chiều nay, 3/4, xoay quanh vấn đề quy đổi điểm giữa các phương thức tuyển sinh.
Quy đổi để đảm bảo công bằng
- Thưa Thứ trưởng, quy đổi điểm giữa các phương thức về một thang điểm chung là điểm rất mới trong mùa tuyển sinh năm nay và đang có nhiều ý kiến trái chiều. Ông có thể cho biết vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa ra quy định này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Một ngành có nhiều phương thức xét tuyển thì các điểm chuẩn trúng tuyển phải bảo đảm mức độ tương đương. Vì sao sử dụng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông lấy 25 điểm mà điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội lại lấy 120 điểm hoặc là kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy 80 điểm, điểm học bạ lấy 26 điểm? Nếu một ngành có nhiều phương thức xét tuyển thì điểm chuẩn phải đánh giá được mức độ tương đương về năng lực của các thí sinh trúng tuyển.
Vì vậy Bộ đưa ra yêu cầu này.
Yêu cầu này cũng xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước khi các trường xét điểm chuẩn trúng tuyển theo chỉ tiêu. Việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức hầu như rất khó có căn cứ.
Điều thí sinh quan tâm nhất là điểm chuẩn. Có hai cách xác định điểm chuẩn. Một là dựa vào chỉ tiêu, nghĩa là trường dành bao nhiêu chỉ tiêu cho mỗi phương thức thì điểm chuẩn sẽ do số lượng thí sinh và chỉ tiêu quyết định. Thứ hai là dựa trên quy đổi tương đương, tức là xác định điểm chuẩn đảm bảo công bằng về năng lực giữa các thí sinh trúng tuyển theo các phương thức khác nhau. Rõ ràng, phương pháp thứ hai khoa học và công bằng hơn nhiều so với cách xác định điểm chuẩn dựa trên phân bổ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, việc quyết định điểm trúng tuyển dựa trên phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức không chặt chẽ, không minh bạch và có thể tạo kẽ hở cho các tiêu cực. Đó là điều nguy hiểm nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đã nhìn ra và chúng ta bắt buộc không để các trường xác định điểm chuẩn theo từng phương thức để đảm bảo việc tuyển sinh công bằng.
- Một số ý kiến cho rằng các phương thức tuyển sinh khác nhau có đặc thù khác nhau và khó có thể quy đổi về cùng thang điểm, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến đó. Nếu như các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh, rõ ràng chúng ta không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực thí sinh để xét tuyển vào cùng một ngành.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Tuy nhiên, nếu đã dùng các phương thức khác nhau để xét tuyển vào cùng một ngành thì các phương thức đó phải cùng đánh giá được những năng lực cốt lõi phù hợp với yêu cầu của ngành đó. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được.
Một vấn đề nữa là có nhiều ý kiến về việc quy đổi như thế nào để đảm bảo khoa học? Chúng ta có nhiều phương pháp.
Đơn cử như dùng phương pháp phân vị. Ví dụ, lấy mốc 1%, 10% hay 20%... thí sinh có điểm cao nhất của từng phương thức, từ điểm để đạt từng mốc của các phương thức ta đó sẽ đưa ra được mức tương đương. Trường muốn xác định điểm xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông phổ thông là 26 thì sẽ xác định được các phương thức kia là bao nhiêu.
Cách khác là hồi quy tuyến tính, chia theo các khoảng điểm. Ví dụ như trong điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, lấy khoảng từ 20-21 điểm, quy chiếu những em đạt mức điểm này đạt điểm thi đánh giá năng lực trong khoảng nào, ví dụ như 80 - 90 điểm, thì có thể quy đổi tương đương. Chúng ta càng chia nhỏ các khoảng điểm thì quy đổi càng chính xác.
Ngoài ra còn có các phương pháp khác và các trường hoàn toàn có thể làm được.
Sẽ có khung tham chiếu
- Có ý kiến cho rằng yêu cầu quy đổi điểm vi phạm quyền tự chủ của các trường. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Thứ nhất, cần phải đặt ra câu hỏi thế nào là tự chủ? Thứ hai là phải tuân theo những nguyên tắc tối cao trong luật, nguyên tắc về giáo dục bảo đảm chất lượng, độ tin cậy, công bằng. Mọi quyền tự chủ các trường đều phải tuân thủ những nguyên tắc này.
Các năm trước, Bộ yêu cầu các trường giải trình việc phân chia chỉ tiêu theo phương thức thức nhưng các trường không làm được.
Năm nay, Bộ hướng dẫn việc quy đổi điểm và các trường phải giải trình được điểm chuẩn trúng tuyển của các tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
Chúng tôi sẽ đưa ra khung quy đổi cho những phương thức phổ biến, ví dụ địa điểm học bạ, điểm tốt nghiệp phổ thông với các tổ hợp khác nhau cũng như một số kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường. Trên cơ sở đó, các trường hoàn toàn có thể điều chỉnh theo đặc thù của ngành, của trường để quy đổi.
Bộ đưa quy đổi khung dựa trên điểm thi của thí sinh, các trường còn phải căn cứ thêm trên kết quả học tập của các em sinh viên năm thứ nhất, thứ hai đã tuyển sinh theo các phương thức khác nhau để quy đổi theo đặc thù riêng. Đó là quyền tự chủ của các trường.
Sẽ có việc các trường quy đổi khác nhau vì đặc thù của từng trường, từng ngành khác nhau, nhưng Bộ sẽ đưa ra khung quy đổi chung cho các phương thức phổ biến, không phân biệt ngành, để các trường có căn cứ điều chỉnh. Tôi tin rằng khi đó sự khác biệt của các trường sẽ không quá lớn nếu không có căn cứ.
- Khung điểm quy đổi này sẽ được Bộ tính toán dựa trên các yếu tố nào để đảm bảo độ tin cậy, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Bộ đã dùng dữ liệu của các năm qua để đưa ra các nhận định, đánh giá. Các trường cũng đã dùng các phương thức khác nhau và cho ra kết quả gần tương đồng. Bộ sẽ cập nhật thêm dữ liệu điểm các kỳ thi của năm nay.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!