Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019: Quản chặt 'đầu vào' để nâng chất lượng
Đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng: Nắm vững nguyên tắc để tăng cơ hội trúng tuyển
(HNM) - Kỳ tuyển sinh đại học năm nay có dấu hiệu khởi sắc, bởi điểm thi các môn cao hơn, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) của hầu hết các trường đều tăng. Vì vậy, việc một số trường đưa ra điểm sàn quá thấp để tuyển được nhiều là thiếu công bằng giữa các trường và giữa các thí sinh. Cùng với việc kịp thời chấn chỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp để quản chặt “đầu vào”, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc đại học.
Để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, các trường phải bảo đảm chất lượng “đầu vào” ngay từ khâu tuyển sinh. Ảnh: Thái Hiền
“Tuýt còi” nếu tuyển ẩu
Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh dự thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, giảm hơn 4% so với năm 2018. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu của các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm năm nay lại tăng hơn 7% so với năm 2018.
Tuy nhiên, so với năm trước, điểm trung bình các môn của kỳ thi THPT quốc gia năm nay tăng 10-20% và điểm trung bình ba môn thi theo tổ hợp xét tuyển đại học cũng cao hơn, nên nguồn tuyển cho các trường sẽ dồi dào và bảo đảm chất lượng.
Thế nhưng, trong khi nhiều trường nâng mức điểm sàn so với năm trước, thì lại có một số trường chỉ có điểm sàn từ 13 điểm cho 3 môn thi, thậm chí có trường còn thấp hơn.
Đơn cử, Đại học Đà Nẵng lấy điểm sàn ở mức 12,5 điểm cho cả 9 ngành của phân hiệu tại Kon Tum; Trường Đại học Cửu Long có 19 ngành lấy điểm sàn là 12,5; Trường Đại học Nông lâm và Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) quy định điểm sàn của tất cả các ngành là 13; Trường Đại học Bạc Liêu thông báo mức điểm sàn là 13 với tất cả các ngành, trừ ngành đào tạo giáo viên...
Đây là cơ hội cho nhiều thí sinh có điểm thi thấp, song lại khiến nhiều người lo lắng. Ông Nguyễn Tuấn Minh, phụ huynh học sinh Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy băn khoăn, nếu duy trì mức điểm sàn 13, tức là mỗi môn chỉ cần hơn 4 điểm đã có khả năng đỗ đại học, thì thiệt thòi cho nhiều thí sinh học tốt, điểm thi cao. Hơn nữa, việc vào đại học quá dễ, dẫn đến tình trạng học sinh thiếu động lực học, chất lượng đào tạo đại học có nguy cơ giảm.
Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến cáo các trường cần cân nhắc lại mức điểm sàn. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, không phải tất cả những trường có điểm sàn thấp đều là đơn vị kém chất lượng. Một số trường có thể xác định điểm sàn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu.
Song, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường không được đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển. Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng đào tạo ở bậc đại học, đơn vị nào sai phạm trong tuyển sinh sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Sau khuyến cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, một số trường đại học đã điều chỉnh điểm sàn tăng 0,5-1 điểm so với mức điểm đã thông báo ban đầu.
Tăng cường giám sát
Liên quan đến hiện tượng một số trường có điểm sàn thấp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết, các nhà trường không chỉ chịu sự giám sát của cơ quan chức năng, mà còn có sự giám sát của người học. Việc đặt ra điểm sàn cũng là kênh thông tin để người học xác định uy tín, chất lượng của trường. Bởi vậy, trường nào đưa ra mức điểm sàn thấp, chưa chắc đã có nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.
Em Nguyễn Thị Mai Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình chia sẻ: "Với thực tế hiện nay, em biết bố mẹ phải suy tính rất kỹ khi đầu tư tiền bạc và thời gian để cho em theo học một trường có chất lượng quá thấp. Bởi điều này dẫn tới nguy cơ khó tìm việc sau khi tốt nghiệp, ảnh hưởng tới tương lai".
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường không nên đưa ra mức điểm sàn quá thấp để ảnh hưởng đến uy tín của trường và cũng khiến thí sinh vất vả khi theo học.
Thực tế, hiện tượng điểm sàn thấp phần lớn là ở những trường, ngành khó tìm việc làm như địa chất, lâm nghiệp... Để có thể phát triển bền vững, ngoài việc các trường chủ động đổi mới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các ngành này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học, các trường phải bảo đảm chất lượng “đầu vào” ngay từ khâu tuyển sinh; thực hiện đúng cam kết với người học, với xã hội về chuẩn “đầu ra”. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường giám sát quá trình đào tạo, đẩy mạnh công tác hậu kiểm và nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đăng tải toàn bộ danh sách thí sinh nhập học ở các trường trên Cổng thông tin tuyển sinh (https://thituyensinh.vn) để xã hội và người học giám sát, nhằm ngăn ngừa hiện tượng tuyển sinh “chui”. Nếu sai phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 5 năm.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị công khai thông tin liên quan đến các điều kiện bảo đảm chất lượng (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm...) vào phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (http://hemis.moet.edu.vn/csdlqg).
Giải pháp này nhằm ngăn ngừa hiện tượng thiếu trung thực, tạo sự công bằng cho các nhà trường và sự minh bạch cho người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc đại học ngay từ khâu tuyển sinh.