Tuyển sinh đại học năm 2024: Tập trung lọc ảo, xét tuyển toàn quốc
Sau khi thí sinh hoàn thành nộp lệ phí đăng ký xét tuyển vào ngày 6-8, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung xử lý dữ liệu thí sinh, chuyển về cho các trường trên cả nước để tiến hành quy trình lọc ảo và xét tuyển toàn quốc. Để công tác lọc ảo, xét tuyển được thông suốt, hiện các trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để tham gia lọc ảo toàn quốc cùng hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT cũng như hai nhóm lọc ảo tại phía Bắc và phía Nam.
Quy trình xét tuyển trong 5 ngày
Ngay sau khi kết thúc nộp lệ phí xét tuyển, từ ngày 12 đến ngày 13-8, Vụ Giáo dục Đại học, Cục Công nghệ thông tin, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) sẽ rà soát, kiểm tra cơ sở dữ liệu của thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT để chuẩn bị cho công tác xét tuyển toàn quốc.
Theo Vụ Giáo dục Đại học, điểm mới của quy trình xét tuyển năm 2024 là tất cả các phương thức xét tuyển (gồm 20 phương thức) đều xét tuyển chung một đợt trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Công tác lọc ảo, xét tuyển được thực hiện từ ngày 13 đến 17 giờ ngày 17-8 và thực hiện 6 lần. Mỗi ngày, các trường sẽ tham gia cùng Bộ GD-ĐT thực hiện theo đúng quy trình nhận dữ liệu, tổ chức xét tuyển và gửi kết quả xét tuyển lên hệ thống.
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng cho biết, để chuẩn bị cho công tác xét tuyển toàn quốc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn công tác kỹ thuật cho các trường trên cả nước. Dữ liệu được sử dụng cho công tác tập huấn xét tuyển là dữ liệu giả lập, và nhìn chung phần mềm được chạy thông suốt.
Ngoài việc tham gia quy trình lọc ảo, xét tuyển toàn quốc, các trường đại học còn tham gia 2 nhóm lọc ảo. Nhóm lọc ảo phía Bắc do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì với gần 60 trường tham gia; nhóm lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì với 86 trường tham gia.
TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), thông tin, ngay khi thí sinh kết thúc thời hạn xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị toàn quốc để chuẩn bị cho công tác xét tuyển, lọc ảo. Cùng với việc tham gia các buổi tập huấn công tác xét tuyển toàn quốc của Bộ GD-ĐT, các trường tham gia nhóm lọc ảo cũng đã họp và thống nhất các quy trình lọc ảo, xét tuyển của nhóm. Xen kẽ với 6 lần lọc ảo, xét tuyển toàn quốc, các trường tham gia nhóm lọc ảo sẽ có 10 lần lọc ảo, xét tuyển nhóm.
Quy trình xét tuyển và lọc ảo ở hai nhóm trường miền Bắc và miền Nam gồm các bước: rà soát phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, điều kiện sơ tuyển, điều kiện so sánh, chọn phương thức xét tuyển, chạy phần mềm thực hiện xét tuyển cho từng phương thức… Sau quy trình lọc ảo, các trường sẽ tính toán thí sinh ảo trong nhóm và ngoài nhóm để điều chỉnh mức điểm chuẩn, đề xuất kết quả xét tuyển dự kiến và nhập vào hệ thống cho nhóm thực hiện lọc ảo lần 1. Sau khi lọc ảo lần 1, sẽ xuất kết quả và đưa lên Hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT. Qua mỗi lần lọc ảo của Bộ GD-ĐT, từng trường sẽ lấy kết quả phân tích, rà soát…, xuất kết quả xét tuyển dự kiến và nhập vào hệ thống để thực hiện lọc ảo các lần tiếp theo.
Huy động nhân lực làm việc 24/24
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết, hiện nay các trường đang chờ cơ sở dữ liệu đầy đủ của thí sinh đăng ký vào trường từ Bộ GD-ĐT. Đến thời điểm này, trường mới chỉ nhận được dữ liệu thô và biết có hơn 40.000 thí sinh đăng ký vào trường (tăng 17% so với năm 2023) với hơn 60.000 nguyện vọng. Còn thông tin cụ thể về từng ngành thì phải chờ sau ngày 12-8.
Tuy nhiên, để công tác lọc ảo, xét tuyển thông suốt, trường đã bố trí cán bộ kỹ thuật, thiết bị để tham gia quy trình lọc ảo toàn quốc và quy trình lọc ảo của nhóm phía Nam. Từ ngày 13 đến ngày 17-8, toàn bộ cán bộ tuyển sinh, cán bộ kỹ thuật sẽ túc trực làm việc 24/24 để thực hiện quy trình lọc ảo và xét tuyển.
Theo ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trường vừa tham gia tập huấn lọc ảo toàn quốc và nhóm phía Nam. Nhìn chung, công tác xét tuyển và lọc ảo chỉ thay đổi về mặt thời gian. Hiện trường đang chờ cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT gửi về để tập trung cho công tác xét tuyển. Trường bố trí nhóm kỹ thuật và chuyên gia tuyển sinh để phục vụ cho công tác xét tuyển, lọc ảo. Nhóm này sẽ làm việc 24/24 theo quy trình nhận dữ liệu từ Bộ GD-ĐT, kiểm tra đối chiếu, rà soát và cuối ngày trả dữ liệu đã xử lý lên hệ thống. Công việc này thực hiện liên tục trong 5 ngày nên nhân sự phải là những người có kinh nghiệm.
Trong khi đó, theo đại diện nhiều trường đại học tại TPHCM, do số lượng thí sinh đăng ký tăng, kéo theo số nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng cao, cộng thêm nhiều phương thức xét tuyển nên công tác xét tuyển và lọc ảo phải huy động nhiều nhân lực. Có trường huy động cả chục cán bộ để tham gia thực hiện công tác xét tuyển, lọc ảo. Theo Vụ Giáo dục Đại học, sau khi kết thúc lọc ảo toàn quốc lần thứ 6, các trường sẽ tải cơ sở dữ liệu và cập nhật mức điểm trúng tuyển lên hệ thống. Sau đó sẽ tiến hành rà soát lại lần cuối để công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 vào ngày 20-8 theo lịch của Bộ GD-ĐT.
Nhiều trường dự báo điểm chuẩn trúng tuyển đại học tăng
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có hơn 733.000 thí sinh (chiếm 68% thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024) đăng ký xét tuyển đại học trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, tăng 73.000 thí sinh so với năm 2023. Do đó, số thí sinh và nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học lớn tăng đáng kể so với năm 2023.
Theo thống kê mới nhất từ Trường Đại học Công thương TPHCM, năm nay trường có gần 51.000 nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển, tăng hơn gấp đôi so với năm 2023 (khoảng 25.000 nguyện vọng). Do đó, trường dự báo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) một số ngành sẽ tăng so với năm ngoái từ 0,5-2 điểm.
Trong khi đó, các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho biết số lượng thí sinh đăng ký tăng trên 10% so với năm 2023. Do mỗi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nên số nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng khoảng 20%-40% so với năm ngoái. Một số trường dự báo, ở một số ngành thu hút đông thí sinh đăng ký, điểm chuẩn sẽ tăng ít nhất là 2 điểm so với năm 2023.
Thống kê của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho thấy, nguyện vọng xét tuyển vào trường tăng 24.000. Do đó, điểm chuẩn nhiều ngành sẽ tăng so với năm ngoái và tập trung ở mức 24-26 điểm…
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, 16 giờ ngày 17-8 sẽ kết thúc xét tuyển toàn quốc và sau đó các trường sẽ hoàn thành công bố điểm chuẩn vào ngày 19-8.
THANH HÙNG