Tuyển sinh đại học: Nhóm ngành công nghệ thu hút thí sinh

Mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2025 đang có sự chuyển dịch đáng chú ý khi nhiều thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các ngành công nghệ. Đây là các ngành đào tạo mới góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự thay đổi không ngừng của ngành nghề trong thời đại công nghệ số phát triển.

Mở ngành đào tạo bắt kịp xu thế

Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, trong mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước mở thêm ngành học mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và chuyển đổi số.

 Giờ thực hành môn Hóa học của học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1.

Giờ thực hành môn Hóa học của học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1.

Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tuyển 4.120 sinh viên và mở thêm 4 ngành, chương trình mới gồm: Khoa học dữ liệu, công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học. Nhà trường cũng tăng chỉ tiêu ở một số ngành có thế mạnh như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy tính. Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trương thu hút học sinh giỏi, học sinh tài năng vào nhóm ngành công nghệ. Để đạt tiêu chuẩn “đầu vào” yêu cầu thí sinh phải tích lũy kiến thức, kỹ năng cơ bản làm nền tảng trước khi tiếp cận với tri thức chuyên ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ông Ngô Văn Nhiệm, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang) cho biết: “Trí tuệ nhân tạo, robot và hệ thống thông minh, công nghệ kỹ thuật ô tô, thiết kế vi mạch, công nghệ tài chính, kinh tế số, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ truyền thông và khoa học dữ liệu đang được xem là những ngành "hot”, nhiều trường đại học tuyển sinh năm nay. Điểm chung là chuẩn đầu vào cho nhóm ngành này cao, nhiều trường còn bổ sung tiêu chí phụ để tuyển được những thí sinh xuất sắc”.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, toàn quốc có 5 cơ sở giáo dục đại học được định hướng dồn lực phát triển kỹ thuật, công nghệ là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Trong đề án tuyển sinh của các trường đại học có thêm nhiều tổ hợp mới liên quan đến các môn Tin học, Công nghệ. Cùng với việc mở các ngành, chương trình đào tạo mới, các trường đại học đang tập trung đầu tư, hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra môi trường học tập hấp dẫn với các chính sách hỗ trợ học bổng, học phí. Đây là những tiền đề quan trọng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ của đất nước.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, toàn quốc có 5 cơ sở giáo dục đại học được định hướng dồn lực phát triển kỹ thuật, công nghệ là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Các trường đại học này sẽ được đầu tư trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu về kỹ thuật, công nghệ then chốt, chất lượng ngang tầm quốc tế.

Dạy và học đáp ứng yêu cầu xét tuyển đại học

Năm học này, toàn tỉnh có gần 23,4 nghìn học sinh lớp 12. Đồng hành cùng các em chuẩn bị cho kỳ xét tuyển đại học năm 2025, nhiều trường trung học phổ thông đã chủ động triển khai kế hoạch giảng dạy theo hướng hỗ trợ thí sinh ôn tập, tiếp cận sớm với các phương thức xét tuyển, tư vấn, định hướng lựa chọn ngành nghề đáp ứng xu thế phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật phát triển. Đặc biệt, các ngành nghề đào tạo nhân lực về công nghệ cao đặt ra yêu cầu đối với các trường phổ thông cần phải giảng dạy cho học sinh kiến thức nền tảng và biết vận dụng nâng cao trong thực hành.

 Giờ học của cô và trò Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 1.

Giờ học của cô và trò Trường Trung học phổ thông Việt Yên số 1.

Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong xét tuyển nhóm các ngành công nghệ, Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang) đã khai thác thế mạnh về đội ngũ giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Nhà trường phân công một nhóm giáo viên cốt cán chuyên bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tiếp cận các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực. Nhiều năm gần đây, nhà trường có học sinh đạt điểm cao tại các kỳ thi riêng do nhiều trường đại học tổ chức. Đây là cơ hội để các em đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu, nhất là những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao.

Em Nguyễn Dương Tùng, lớp 12, Trường Trung học phổ thông Ngô Sĩ Liên chia sẻ: “Em vừa đạt 110/150 điểm tại kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025. Với điểm số này, em dự định dự tuyển vào nhóm ngành công nghiệp phần mềm, công nghiệp bán dẫn, điện tử, viễn thông, năng lượng”. Nhiều thí sinh cho biết, lựa chọn ngành học năm nay không chỉ dựa vào sở thích cá nhân mà còn tính đến yếu tố việc làm sau khi tốt nghiệp. Do đó, các ngành liên quan đến ứng dụng công nghệ cao được các em ưu tiên lựa chọn.

Không chỉ ở đô thị, các trường và học sinh miền núi, vùng khó khăn cũng rất quan tâm đến xu thế phát triển của nhóm ngành công nghệ. Cô giáo Bùi Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Lục Ngạn) cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tư vấn, hướng dẫn học sinh đăng ký chọn các tổ hợp môn học phù hợp với các ngành nghề đang “khát” nhân lực, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, bán dẫn.

Nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy các tổ hợp xét tuyển đại học, xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng khái quát nhiều lĩnh vực nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh”. Dù ở miền núi, đa phần học sinh dân tộc thiểu số nhưng chất lượng giáo dục của nhà trường được cải thiện rõ rệt, đáp ứng yêu cầu xét tuyển đại học, phân luồng học nghề trong giai đoạn hiện nay.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới, ngành Giáo dục Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy tích hợp các môn học nhằm khơi dậy niềm đam mê các môn khoa học công nghệ cho học sinh từ các bậc học cấp dưới như: Mầm non, tiểu học. Trong đó, giáo viên tích cực hướng dẫn học sinh thực hành, trải nghiệm thực tế, tạo cơ hội để các em phát huy khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức tổng hợp, tự học, tự nghiên cứu.

Các nhà trường đề nghị cán bộ, giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, giảng dạy theo hướng liên môn, phục vụ hiệu quả những kỳ thi riêng của các trường đại học, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn tiếp theo. Học sinh tham khảo kỹ thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo, tìm việc làm sau khi tốt nghiệp, cũng như khả năng học tập của bản thân, tránh chạy theo "ngành hot" nếu không thực sự phù hợp.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nhom-nganh-cong-nghe-thu-hut-thi-sinh-postid416350.bbg