Tuyển sinh Đại học Thái Nguyên: Duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào
Hội đồng tuyển sinh Đại học Thái Nguyên vừa công bố ngưỡng điểm xét tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, ĐHTN tuyển sinh trên 15.000 chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học và trên 1.100 chỉ tiêu đào tạo trình độ cao đẳng.
Năm nay, toàn ĐHTN thực hiện tuyển sinh theo 6 phương thức. Tính đến 17 giờ ngày 30-7 có 40.441 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHTN. Nhiều nhất là Trường Đại học Sư phạm, chỉ tiêu tuyển sinh 1.065 người, số đăng ký là 10.097 người; tiếp đến là Trường Đại học Y - Dược, chỉ tiêu tuyển sinh 1.282 người, số đăng ký tuyển sinh 6.091 người...
Một số trường có mức điểm giữa các ngành chênh lệch khá cao, như: Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao nhất là 3 chương trình đào tạo: Công nghệ kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (19,0 điểm); các chương trình đào tạo tiên tiến như: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện có điểm sàn là 18,0.
Đối với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, các ngành có điểm cao nhất là chương trình dạy và học bằng tiếng Anh, gồm: Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Marketing, Tài chính - Ngân hàng (19,0 điểm). Các ngành còn lại dao động từ 16,0 đến 18,0 điểm.
Theo PGS.TS Đỗ Anh Tài, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế - Quản trị Kinh doanh (ĐHTN): Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn so với các các năm trước nếu tính theo cùng kỳ. Có nhiều nguyên nhân, như năm nay phổ điểm khoảng giữa chiếm tỷ lệ khá cao, nên các thí sinh sẽ lưỡng lự nhiều hơn.
Trường Đại học Y - Dược có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cao nhất là 2 chương trình đào tạo Y khoa và Răng - Hàm - Mặt (22,50 điểm).
Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên là một trong những đơn vị có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thấp của ĐHTN. Tính đến hết 17 giờ ngày 30-7 có 924 thí sinh đăng ký xét tuyển ở 24 ngành đào tạo; bằng 53% chỉ tiêu tuyển sinh của năm và bằng trên 85% so với đăng ký xét tuyển năm 2022.
Trong khi đó, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông dự kiến tuyển sinh 3.666 chỉ tiêu. Tính đến 17 giờ ngày 30-7, trên hệ thống đăng ký chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường đạt 6.526 thí sinh.
PGS,TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, thông tin: Để tạo sự ổn định, thuận lợi cho thí sinh khi tham gia xét tuyển, Trường thực hiện một hệ thống xét tuyển sớm để thông qua đó nắm bắt được nguyện vọng của thí sinh và hỗ trợ kịp thời.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐHTN: Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định về điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.
Đối với ngành Sức khỏe và ngành Sư phạm, ĐHTN căn cứ vào ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn đối với tất cả các ngành nghề khác trong số hơn 142 ngành còn lạ. ĐHTN xác định hướng đảm bảo chất lượng, thấp nhất năm nay là 15 điểm.
Theo kế hoạch, đến trước 17 giờ ngày 22-8, các trường sẽ công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đến các thí sinh; đến trước ngày 6-9 tất cả các thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo.