Tuyển sinh đầu cấp tại miền núi: Hóa giải điểm khó
Công tác tuyển sinh đầu cấp tại nhiều địa phương đã và đang gấp rút hoàn tất. Ở nhiều nơi dù điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, song nhà trường, thầy cô nỗ lực vận động để duy trì tỉ lệ 100% học sinh (HS) vào lớp 1.
Gấp rút hoàn thiện tuyển sinh
Ông Lê Trung Thành – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Việc tuyển sinh vào lớp 1 các trường tiểu học tại huyện Quản Bạ đang ở giai đoạn “nước rút” thu nhận hồ sơ, xét đầu vào… Tuy nhiên, để việc tuyển sinh diễn ra thuận tiện, trước đó 1 - 2 tháng nhà trường tiến hành tuyển sơ lược hồ sơ của trẻ mầm non lớp 5 tuổi ngay khi kết thúc năm học. Tháng 8 sẽ kiểm duyệt, hoàn thiện với hồ sơ còn thiếu… sau đó chuyển lên Phòng GD&ĐT để phê duyệt. Năm học 2020 - 2021, huyện Quản Bạ dự kiến đón khoảng 1.500 HS vào lớp 1.
Tại huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai), ông Nhâm Tiến Đức – Phó Trưởng phòng GD&ĐT thông tin: Công tác tuyển sinh trẻ mầm non và HS vào lớp 1 đã tiến hành xong. Năm nay, Si Ma Cai đón 947 HS/68 lớp cho 17 trường có cấp tiểu học.
Cũng theo ông Nhâm Tiến Đức, công tác tuyển sinh trẻ mầm non và tiểu học tại Si Ma Cai đạt tỉ lệ 100% từ 10 năm nay. Tuyển sinh đầu cấp không còn là việc khó khăn đối với bậc MN, tiểu học, THCS. Riêng tuyển sinh đầu cấp vào THPT khó khăn hơn bởi HS bước vào lứa tuổi có thể lao động, các gia đình có xu hướng cho con ở nhà phụ việc.
Theo ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình (Yên Bái), tuyển sinh đầu cấp vào MN, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện hiện nay không còn là “bài toán” khó giải. Việc tuyển sinh với sự hỗ trợ từ các cấp ngành, đồng thời ngành Giáo dục lên phương án tuyển sinh từ sớm nên càng thuận lợi, nhanh chóng. Nhiều năm trở lại đây, ngành luôn tuyển đủ 100% trẻ từ MN lên tiểu học.
Chấm dứt nỗi lo tuyển sinh
Bà Mua Thị Hồng Minh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Minh (Hà Giang) cho hay: Công tác tuyển sinh lớp 1 trên địa bàn huyện Yên Minh đang gấp rút tiến hành. Tuy nhiên, từ lâu tỉ lệ tuyển sinh HS vào lớp 1 đã đạt 100%. Tình trạng HS học hết mầm non không theo học tiếp lớp 1 cơ bản đã chấm dứt.
Bà Mua Thị Hồng Minh chia sẻ: Có được kết quả trên, huyện Yên Minh nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía. Về phía ngành Giáo dục luôn tích cực tuyên truyền việc đưa trẻ đến trường, vai trò của giáo dục đối với trẻ vùng cao khi bước vào cuộc sống… đến các bậc phụ huynh. Đặc biệt, những năm gần đây nhận thức của bà con dân tộc đã nâng lên đáng kể. Khi thấy được hiệu quả, vai trò của giáo dục, bà con chủ động gửi trẻ tới trường. Phối hợp tích cực cùng các trường học không để xảy ra tình trạng HS bỏ trốn học, duy trì ổn định sĩ số HS tới trường lớp trong suốt năm học.
Ông Lê Trung Thành - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quản Bạ (Hà Giang) chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh đầu cấp đạt tỉ lệ cao: Với HS lớp 1, công tác tuyển sinh tiến hành chặt chẽ ngay từ khâu bàn giao danh sách trẻ 5 tuổi cho các trường tiểu học vào cuối năm học. Khi trường tiểu học có danh sách sẽ tiến hành rà soát hoàn cảnh, hồ sơ lý lịch từng HS. Với HS hoàn cảnh khó khăn, có tâm tư nguyện vọng… GV sẽ xuống tận nơi làm công tác vận động. Mặt khác, hướng dẫn phụ huynh HS hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cho trẻ vào lớp 1. Với trường hợp HS không đủ giấy tờ (giấy khai sinh, chứng nhận được hưởng chế độ hỗ trợ…), GV sẽ đồng hành cùng phụ huynh hoàn thiện, thậm chí hoàn thiện thay gia đình.
Ông Nhâm Tiến Đức, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai (Lào Cai) cũng bày tỏ: Việc tuyển sinh đầu cấp tại huyện Si Ma Cai đạt tỉ lệ cao bởi quá trình người dân lên nương rẫy lao động kiến sống không có chỗ gửi trẻ. Trong khi đó gửi trẻ tới trường được chăm sóc, học tập, an toàn… Mặt khác, HS vùng khó được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước và địa phương cũng là sự khuyến khích đáng kể để cha mẹ gửi trẻ tới trường.
Các trường tiểu học đã chủ động bám sát số HS MN ra trường, làm tốt công tác tuyên truyền với phụ huynh ngay sau khi kết thúc bậc học mầm non. Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực trong việc hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục hưởng các chế độ chính sách của Chính phủ và địa phương đối với HS vùng khó để được hưởng sự hỗ trợ về học phí, sách bút, chế độ bán trú… Khi có thêm nguồn lực hỗ trợ hàng tháng, người dân càng yên tâm gửi con tới trường học tập, công tác tuyển sinh đầu cấp thêm thuận lợi. - Ông Nguyễn Văn Lịch