Tuyển sinh ĐH: Hút thí sinh bằng phương thức mới
Đề án tuyển sinh 2021 của nhiều trường vừa công bố cho thấy, các phương thức tuyển sinh ngày càng đa dạng, tiếp cận sâu đến thí sinh.
Ngoài phương thức và tổ hợp xét tuyển truyền thống, nhiều đơn vị dành một phần chỉ tiêu nhất định cho các phương thức mới.
Mở rộng phương thức, đối tượng tuyển sinh
Ngoài việc tuyển thẳng học sinh đạt danh hiệu các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế, ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM, năm nay Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) mở rộng thêm đối tượng tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất của các trường THPT (mỗi trường một thí sinh). Trường ĐH Việt Đức năm nay cũng thêm đối tượng thí sinh đạt giải khuyến khích trở lên ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng tiếp tục mở rộng đối tượng xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (được cộng thêm điểm thành phần vào kết quả xét tuyển hoặc xét tuyển thẳng). Đáng chú ý, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) ở phương thức - xét tuyển kết hợp (40 - 50% chỉ tiêu, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu) mở rộng với 5 nhóm:
Thí sinh có Chứng chỉ quốc tế SAT từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên và tốt nghiệp THPT trong nước hoặc nước ngoài bao gồm các chương trình quốc tế trong nước.
Thí sinh tham gia vòng thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” trên Đài truyền hình Việt Nam và đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên. Thí sinh có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 1/6/2021) đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL ITP 500 trở lên/ TOEFL iBT 46 trở lên và đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên.
Thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào dự kiến từ 20 điểm trở lên gồm điểm ưu tiên. Thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường chuyên các tỉnh/thành phố…
Ngoài việc mở rộng xét và cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, năm nay nhiều trường đại học còn bổ sung phương thức tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp. Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), nhà trường tuyển khoảng 150 em theo hình thức này. Trường xét tuyển bằng phỏng vấn với những ngành đào tạo bằng tiếng Anh, để tìm ứng viên có thể học tập tốt ở nước ngoài, nâng cao tính hợp tác quốc tế của nhà trường.
Nâng cao chất lượng nguồn tuyển
Mùa tuyển sinh 2020, nhiều trường áp dụng phương thức phỏng vấn để tuyển sinh. Trường ĐH Văn Lang tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển bài thi vẽ kết hợp với phỏng vấn áp dụng cho kỳ thi năng khiếu. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức 5 đợt phỏng vấn để tuyển sinh.
Ngoài phỏng vấn trực tiếp để xét tuyển, phương thức xét tuyển bằng cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (ngành học có môn tiếng Anh) hoặc tuyển học sinh giỏi các trường THPT cũng được nhiều cán bộ tuyển sinh đánh giá sẽ giúp các trường gia tăng chất lượng nguồn tuyển. Mặt khác, việc mở rộng đối tượng xét tuyển cũng giúp nhà trường tăng chất lượng đầu vào cho chính mình.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, thí sinh tham gia xét tuyển bằng các hình thức trên đều là học sinh giỏi, có nền tảng kiến thức tốt và chắc chắn. Vì vậy, việc các em xác định và chọn lựa ngành nghề, trường mình yêu thích một cách kiên định để theo học rõ ràng chất lượng đầu vào của nguồn tuyển rất ổn.
Đồng quan điểm, GS Etienne Saur - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tin rằng, việc gặp gỡ và trao đổi với thí sinh trong buổi phỏng vấn sẽ giúp Hội đồng đánh giá toàn diện về kiến thức, kỹ năng như giao tiếp, tư duy cũng như động lực học tập, bên cạnh kết quả điểm số thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển.
“Động lực học tập được chứng minh là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công trong học tập và công việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên. Vì vậy, việc phỏng vấn trực tiếp giúp nhà trường nắm được tâm tư, nguyện vọng và kế hoạch phát triển của sinh viên. Từ đó có thể chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ các em tốt hơn trong quá trình học tập sau này” - GS Etienne Saur chia sẻ.
Nhìn vào phương thức tuyển sinh và đối tượng được các trường nhắm đến khi mở rộng phương thức xét tuyển cho thấy thí sinh phải bảo đảm ngưỡng điểm học tập cao nhất định. Đây là nguồn tuyển tốt, dù số lượng chỉ tiêu không nhiều. Việc hướng đến chất lượng hơn số lượng chứng tỏ xu thế dịch chuyển rất rõ trong định hướng tuyển sinh và phát triển của các trường, nhất là trong xu thế hội nhập với nền tảng lấy nguồn nhân lực chất lượng làm bệ phóng, điều này lại càng đúng đắn. - TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM