Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Không biến động lớn
Các trường THPT công lập ở Hà Nội dự kiến, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 không có sự biến động lớn. Học sinh năm nay được yêu cầu chú trọng tất cả các môn học để sẵn sàng cho việc thi 4 bài thi, thay vì 3 bài như năm học trước.
Không tăng chỉ tiêu
Để phục vụ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây yêu cầu tất cả các trường THPT hoàn thành hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường cũng phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; công khai thu-chi tài chính để phụ huynh, học sinh nắm được.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội hằng năm có trên dưới 100.000 học sinh tham gia, nhưng chỉ có khoảng 60% thi đỗ vào trường THPT công lập. Năm học 2019-2020, Hà Nội có 107.246 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng các trường THPT công lập chỉ tuyển 66.492 học sinh. Số còn lại học trường ngoài công lập, trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề.
Hiệu trưởng Trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín), ông Lê Trung Hiệp, cho biết, nhà trường đã hoàn thành việc xác định chỉ tiêu năm học tới và không có sự biến động so với năm học trước. Cụ thể, trường đề xuất tuyển 630 học sinh với 14 lớp 10. “Nhiều năm trở lại đây, quy mô trường lớp, số lượng giáo viên không thay đổi, do đó chỉ tiêu tuyển sinh của trường dừng lại ở con số này”, ông Hiệp nói.
Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) năm nay dự kiến tuyển 16 lớp 10 với khoảng 720 học sinh. Hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh nói rằng, con số này không có biến động so với chỉ tiêu tuyển sinh năm học trước. Sau khi được Sở GD&ĐT Hà Nội phê duyệt, thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, tài chính sẽ được nhà trường công khai để học sinh, phụ huynh được biết.
Trong khi đó, Trường THPT Khương Đình (quận Thanh Xuân) có sự biến động nhẹ về chỉ tiêu tuyển sinh. Năm học trước, trường tuyển 10 lớp 10 với 450 học sinh; năm nay, dự kiến tuyển 12 lớp. Hiệu trưởng Hoàng Đức Thuận cho biết, hiện tại, cơ sở vật chất có thể đáp ứng tuyển thêm, tuy nhiên đội ngũ giáo viên chưa đủ. Vì vậy, nếu được duyệt chỉ tiêu tuyển sinh mới, giáo viên cũng sẽ phải được bổ sung. Một số trường THPT khác cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho năm học tới không có nhiều biến động so với năm học trước.
Sẵn sàng thi 4 môn
Hà Nội chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào cho việc chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, các trường THCS nên cho học sinh chú trọng tất cả các môn và sẵn sàng tinh thần cho việc thực hiện 4 bài thi.
Từ năm học 2018-2019, Hà Nội tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ 4. Bài thi thứ 4 được Sở GD&ĐT chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và công bố vào khoảng tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên, năm học 2019-2020, do dịch COVID-19, nhiều trường đề xuất hủy môn thi thứ 4, tránh áp lực cho học sinh nên UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Thầy Lê Trung Hiệp cho rằng, các trường THCS nên trang bị kiến thức đầy đủ tất cả các môn cho học sinh để sẵn sàng cho kỳ thi năm học tới. Thầy Hiệp đánh giá, từ khi Hà Nội thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 là 4 bài thi thay cho 2 bài thi (Ngữ văn và Toán), chất lượng học sinh lên THPT được khẳng định. Kể cả năm ngoái, dù thực hiện 3 bài thi nhưng cả quá trình học sinh được học và ôn tập trực tuyến nên lên lớp 10 không bị hổng, hụt kiến thức các môn học khác. Cô Lê Thị Thanh Hiền, giáo viên dạy Ngữ văn một trường THCS, cho biết, thời điểm này, ngoài học ở trường, học sinh đã ôn tập củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, cho biết, các trường THCS được chỉ đạo chú trọng dạy học tất cả các môn, tránh học lệch, học tủ. Sau khi học xong chương trình, trường sẽ tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 9 thi tuyển lên lớp 10. Phòng GD&ĐT đã triệu tập giáo viên xây dựng các chuyên đề học liệu các môn học phù hợp từng nhóm học sinh để ôn thi. Ví dụ, chuyên đề dành cho nhóm có năng lực giỏi; nhóm khá; nhóm trung bình và yếu kém. Chuyên đề sẽ được làm mẫu ở một trường, các trường đến tham khảo, chỉnh sửa phù hợp với năng lực học sinh từng trường.
Về chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm Hà Nội chỉ dành khoảng 60-62% để tuyển sinh vào trường THPT công lập, hiệu trưởng các trường cho rằng, hiện nay, công tác hướng nghiệp, phân luồng chưa tốt nên học sinh chưa tha thiết với trường nghề, học nghề ngay từ THCS. Nhiều phụ huynh cho rằng, những trường có điểm tuyển sinh thấp thường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn.