Tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020-2021: Sớm giải tỏa mối lo

Năm học 2020-2021, quy mô học sinh trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10) tại Hà Nội dự báo tiếp tục tăng, kéo theo nhiều mối lo về việc bảo đảm đủ chỗ học. Ổn định phương thức, giảm quá tải là chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong định hướng tổ chức tuyển sinh, đồng thời giải tỏa mối lo lắng của phụ huynh học sinh ngay từ thời điểm này.

Thành phố Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6. Ảnh: Bá Hoạt

Chưa thay đổi phương thức tuyển sinh

Căn cứ vào số liệu điều tra sơ bộ về số lượng học sinh trong độ tuổi, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2020-2021. Theo đó, tổng số trẻ dự kiến tuyển vào các trường mầm non trên địa bàn thành phố là hơn 623.000 trẻ; các trường tiểu học tuyển vào lớp 1 khoảng 167.000 học sinh, tăng 9.500 học sinh; các trường trung học cơ sở tuyển vào lớp 6 khoảng 135.000 học sinh, tăng 6.200 học sinh so với năm học 2019-2020.

Trước ý kiến của một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi có thông tin năm học 2020-2021, thành phố Hà Nội sẽ áp dụng phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6, thay cho phương thức xét tuyển hiện nay, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Phạm Quốc Toản khẳng định, Hà Nội chủ trương giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các lớp mầm non, lớp 1 và lớp 6. Các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập trên địa bàn thành phố sẽ áp dụng thống nhất một phương thức tuyển sinh, đó là xét tuyển.

Cụ thể, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ xét tuyển học sinh theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt. Tuyến tuyển sinh này được xây dựng dựa trên số liệu điều tra về quy mô học sinh trong độ tuổi của từng năm học, điều kiện dạy học thực tế của từng nhà trường (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…), kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Tùy theo tình hình thực tế, UBND các quận, huyện, thị xã có thể điều chỉnh tuyến tuyển sinh cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, tránh tình trạng thiếu chỗ học.

Bà Trần Thị Mai Lan (tổ 29, phường Quang Trung, quận Đống Đa) có con chuẩn bị vào lớp 1 bày tỏ: "Các năm trước tôi thấy các cháu đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn phường thường được phân tuyến học tại Trường Tiểu học Khương Thượng hoặc Trường Tiểu học Thịnh Hào. Nếu phương án tuyển sinh năm học tới vẫn là xét tuyển theo tuyến thì gia đình hoàn toàn yên tâm".

Về công tác tuyển sinh lớp 10, ông Phạm Quốc Toản cho biết: Năm học 2020-2021, Hà Nội tiếp tục thực hiện phương thức thi tuyển. Để dự tuyển vào các trường trung học phổ thông công lập, mỗi học sinh phải làm 4 bài thi, trong đó có 3 bài thi đã được ấn định ở các môn: Toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Môn thi thứ 4 sẽ được công bố trong tháng 3-2020.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang xây dựng tờ trình UBND thành phố về phương án tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2020-2021. Ngay sau khi được UBND thành phố phê duyệt, Sở sẽ chính thức công bố các thông tin liên quan và xây dựng kế hoạch tuyển sinh cụ thể với mục tiêu thực hiện tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bảo đảm công bằng, minh bạch.

Nỗ lực bổ sung trường, lớp

Theo dự kiến, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020-2021 tại Hà Nội được thực hiện từ tháng 6-2020. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm này, việc chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tuyển sinh đã được các địa phương, nhà trường triển khai tích cực bằng việc nỗ lực xây dựng mới và cải tạo nhiều trường, phòng học, nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh.

Nằm trong khu vực nội thành, quỹ đất hạn hẹp, quận Ba Đình có nhiều khó khăn trong việc xây dựng trường học mới, nên phương án ưu tiên là cải tạo, xây dựng bổ sung phòng học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nguyễn Đắc Hùng thông tin: Chuẩn bị cho công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020-2021, nhiều trường học trên địa bàn đang được cải tạo, xây dựng thêm phòng học, tập trung ở cấp mầm non - cấp học thường có quy mô học sinh biến động nhất.

Còn Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Bạch Ngọc Lợi cho biết: Năm học 2020-2021, số học sinh vào lớp 1 trên địa bàn quận dự kiến tiếp tục tăng. Toàn quận đã có 36 trường tiểu học, một số phường có tới 4-5 trường tiểu học, nhưng để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh tốt hơn tại các địa bàn đông dân cư, tốc độ gia tăng dân số nhanh, quận Hà Đông đang xây dựng thêm 2 trường tiểu học mới. Ngoài ra, hầu hết các nhà trường cũng đang rà soát cơ sở vật chất để đề xuất cải tạo, nâng cấp và xây dựng thêm phòng học mới.

Là địa phương còn nhiều khó khăn, Ba Vì cũng đối mặt với việc tăng quy mô học sinh. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, toàn huyện hiện có gần 60.000 học sinh theo học ở 114 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Ước tính, năm học 2020-2021, quy mô học sinh tăng hơn 2.700 em. So với nhiều đơn vị, số lượng trường học của Ba Vì nhiều, nhưng cơ sở vật chất hạn chế. Ngoài việc dành kinh phí tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng trường học, Phòng còn tập trung tham mưu với UBND huyện đầu tư cải tạo, xây mới nhiều phòng học thay thế các phòng học đã xuống cấp, phòng học nhờ, học tạm, tiến tới chấm dứt việc học sinh phải đi học nhờ ở các nhà văn hóa thôn.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (quận Long Biên) Nguyễn Quý Xuân cho biết: Hiện tại chưa được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2020-2021, song căn cứ vào chỉ tiêu lớp 10 năm học trước là 13 lớp với 585 học sinh, nhà trường đã có phương án bổ sung phòng học, sẵn sàng đón lứa học sinh mới với các điều kiện dạy và học tốt nhất, bảo đảm 45 học sinh/lớp.

Để chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã đề nghị phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường rà soát mạng lưới trường học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; tổ chức phân tuyến tuyển sinh hợp lý, không để tình trạng nơi quá tải, nơi lại ít học sinh. Các đơn vị phải chủ động dự báo được số lượng học sinh năm học mới, từ đó có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo đúng quy định.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tuyen-sinh/955530/tuyen-sinh-vao-cac-lop-dau-cap-nam-hoc-2020-2021-som-giai-toa-moi-lo