Tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Đà Nẵng: Tháo chạy khỏi trường tốp đầu
Năm học 2022 – 2023, Đà Nẵng sẽ tuyển 11.044 chỉ tiêu vào 21 trường THPT công lập so với 15.080 số học sinh đăng ký nguyện vọng 1.
So với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021, Đà Nẵng tăng 1.720 em. Áp lực trúng tuyển vào các trường tốp đầu vì vậy càng gay gắt.
Chọn giải pháp an toàn
Theo số liệu học sinh đăng ký tuyển sinh vào các lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 do Sở GD&ĐT Đà Nẵng công bố, có 15.080 học sinh đăng ký nguyện vọng 1, số học sinh đăng ký nguyện vọng 2 là 14.977. Trường THPT Phan Châu Trinh có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 cao nhất với 2.494 em so với 1.364 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi là 1/1,8. Không tính Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, đây cũng là trường có điểm trúng tuyển cao nhất trong số các trường THPT công lập ở Đà Nẵng. Trường THPT Thái Phiên có 1.167 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 so với 792 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi: 1/1,4. Trường THPT Hoàng Hoa Thám có 843 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 so với 528 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi: 1/1,6...
Sau công bố số liệu thống kê nguyện vọng xét tuyển vào các trường THPT công lập, nhiều học sinh đã điều chỉnh nguyện vọng theo hướng chọn trường tốp giữa để đảm bảo an toàn.
Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) có khoảng 20 học sinh nộp đơn xin điều chỉnh nguyện vọng. Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Rất ít học sinh điều chỉnh theo hướng nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Châu Trinh. Số còn lại, các em điều chỉnh theo hướng “rút” khỏi Trường THPT Phan Châu Trinh để chuyển sang một số trường khác có tỷ lệ chọi và điểm trúng tuyển của những năm trước thấp hơn như THPT Trần Phú, Thái Phiên.... Một số khác, học sinh vẫn giữ nguyên nguyện vọng 1 và điều chỉnh nguyện vọng 2 vào các trường tốp giữa, có điểm trúng tuyển chênh lệch từ 4 - 5 điểm so với điểm trúng tuyển của những trường tốp đầu”.
Tỷ lệ chọi chỉ là thông số để tham khảo
Cách đây 1 năm, Trường THCS Tây Sơn có một thí sinh trượt cả 2 nguyện vọng vào trường công lập. Nguyên nhân, theo thầy Tú Anh do học sinh chọn cả 2 nguyện vọng đều thuộc trường tốp đầu và vượt quá sức học của bản thân. Chính vì vậy, trong tư vấn học sinh lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, Trường THCS Tây Sơn quán triệt với giáo viên chủ nhiệm phải trao đổi với phụ huynh học sinh để có lựa chọn phù hợp với năng lực học tập và đảm bảo an toàn.
Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) có 10 trường hợp học sinh điều chỉnh nguyện vọng theo hướng chọn nguyện vọng 1 vào các trường tốp giữa. Thầy Nguyễn Duy Quốc - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: “Chủ trương của nhà trường là tư vấn kỹ ngay khi học sinh làm hồ sơ đăng ký để hạn chế thấp nhất việc thay đổi nguyện vọng”. Những năm trước, Trường THCS Lương Thế Vinh vẫn có trường hợp thí sinh trượt cả 2 nguyện vọng vào trường THPT công lập, cho dù học sinh có học lực giỏi.
Cả nguyện vọng 1 và 2, em học sinh này đều chọn trường có điểm trúng tuyển cao nên khi không đủ điểm trúng tuyển thì mất luôn cơ hội vào trường công. Kinh nghiệm của các giáo viên chủ nhiệm khi tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển cho học sinh, ngoài chọn trường vừa sức thì nên chọn 2 trường có điểm chuẩn chênh lệch nhau khoảng 3 - 4 điểm để vẫn chắc chắn 1 cơ hội trúng tuyển vào trường công. Nếu chọn 2 trường có điểm trúng tuyển của những năm trước gần như nhau sẽ mất đi một cơ hội xét tuyển nguyện vọng 2.
Theo thầy Nguyễn Duy Quốc, tỷ lệ chọi chỉ nên dùng để tham khảo chứ không nói lên điều gì vì sở không công bố số lượng nguyện vọng 1 sau khi học sinh điều chỉnh. “Có trường hợp học sinh điều chỉnh theo hướng rút khỏi trường có điểm trúng tuyển hàng năm thuộc loại cao. Nhưng cũng có trường hợp thấy sao trường này đăng ký ít thế, vậy là thay đổi nguyện vọng, nộp vào trường này. Vô tình trường có số lượng thí sinh ít lại trở thành đông lên sau điều chỉnh, điểm chuẩn đầu vào lại cao. Nhưng thông tin sau điều chỉnh này, học sinh không biết được nên rất dễ nảy sinh tâm lý chủ quan”.
Hà Nguyên