Tuyển sinh vào lớp 10 ở Đà Nẵng: Căng thẳng nhưng ai cũng có cơ hội học tập
Tỷ lệ 'chọi' vào lớp 10 ở Đà Nẵng năm học tới là cuộc đua căng thẳng. Tuy vậy, tùy theo điều kiện kinh tế, năng lực, sở thích…, phụ huynh, học sinh có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học tập.
Năm học 2024-2025, thành phố Đà Nẵng tuyển sinh gần 12 ngàn chỉ tiêu vào các trường THPT công lập. Trong khi đó 69 trường THCS có hơn 18 ngàn học sinh. Như vậy, hơn 6.000 học sinh sẽ không đỗ các trường THPT công lập. Vì vậy, tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 ở Đà Nẵng năm học tới là cuộc đua căng thẳng. Tuy vậy, tùy theo điều kiện kinh tế, năng lực, sở thích…, phụ huynh, học sinh có thể lựa chọn các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học tập.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, năm nay có 16.500 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1; có 16.479 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2. Trong khi đó, chỉ tiêu phân bổ cho 21 trường THPT trên địa bàn là 11.616 học sinh.
Các trường tốp đầu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 ở Đà Nẵng là THPT Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Hòa Vang. Tỷ lệ “chọi” trong kỳ thi vào lớp 10 năm học tới cao ngất là câu chuyện thời sự ở bất cứ đâu tại Đà Nẵng và là nỗi lo của các bậc phụ huynh có con thi tuyển vào lớp 10.
Chị Phan Thị Hiếu ở đường Châu Thượng Văn, quận Hải Châu tất tả chạy tới chạy lui các trường tư, trường nghề tìm hiểu, dự phòng trường hợp con thi không đỗ vào trường công. “Tôi thực sự rất là lo lắng và căng thẳng. Tôi phải theo sát con từng ngày bởi vì tỷ lệ chọi quá cao. Tôi đã phải hỏi quanh các thầy cô dạy ở trường, chỗ học thêm để biết năng lực của tôi đến đâu để chọn trường phù hợp; lại phải nghiên cứu chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, bảng điểm chuẩn các năm để có sự so sánh, đối chiếu rồi lại phải đi khảo sát thực tế để hình dung của đoạn đường con tôi phải đi khi đậu nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 là bao xa để chọn trường cho phù hợp, nói chung là rất căng thẳng, áp lực”.
Với quyết tâm đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, những ngày đầu tháng 5, học sinh khối lớp 9 các trường THCS tại thành phố Đà Nẵng tập trung ôn tập. Giai đoạn từ giữa tháng 5 đến hết tháng 5, các trường tập trung phụ đạo cho học sinh 3 môn thi tuyển sinh lớp 10. Trong quá trình ôn tập, giáo viên chủ yếu hệ thống lại kiến thức, hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh; phân hóa nội dung ôn tập theo từng nhóm đối tượng học sinh để các em tiếp thu kiến thức tốt nhất.
Cả tuần nay, Trần Công Bình, học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng chia thời gian cụ thể để ôn tập bài chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Mỗi ngày, cậu học trò này dành 8 tiếng để ôn tập bài. Trần Công Bình cho biết, năm nay, em đăng ký thi vào trường THPT Phan Châu Trinh, là trường tốp đầu của Đà Nẵng có nhiều học sinh dự tuyển nên em phải cố gắng để đạt kết quả như mong đợi. “Hiện nay con đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, mỗi ngày con đều lên thư viện Đà Nẵng để học từ 8 giờ đến 12 giờ và chiều con đi học thêm môn Toán và môn Văn, Anh. Con lên kế hoạch từ thứ 2 và thứ 5 và 6 học môn Toán và thứ 3, thứ 7 học môn Văn, Chủ nhật con học môn Tiếng Anh. Con thấy đề thi thử cũng nằm trong chương trình học. Hiện nay, con đã sẵn sàng tâm lý để bước vào kỳ thi sắp tới.”
Phụ huynh và học sinh rất lo lắng trước kỳ thi quan trọng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không đỗ vào trường công lập không phải là các cánh cửa học tập của các em đã đóng lại. Những năm qua, các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở thành phố Đà Nẵng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.Phụ huynh và học sinh rất lo lắng trước kỳ thi quan trọng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không đỗ vào trường công lập không phải là các cánh cửa học tập của các em đã đóng lại. Những năm qua, các cơ sở giáo dục ngoài công lập ở thành phố Đà Nẵng từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy Trịnh Xuân Vịnh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1, thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, trung tâm triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng học sinh. Các năm vừa qua, tại trung tâm giáo dục thường xuyên số 1, hơn 80% học sinh được tốt nghiệp trung học phổ thông, năm sau đều tăng hơn so với năm học trước từ 5 đến 10 %. Riêng năm học vừa qua, 84 % học sinh tốt nghiệp THPT và hơn 40 em học sinh được tuyển vào các trường đại học, số còn lại vào các trường cao đẳng và trung cấp để tiếp tục học nghề. Ngoài việc giảng dạy văn hóa, Trung tâm đã liên kết với các trường cao đẳng trên địa bàn tổ chức giảng dạy các hệ trung cấp nghề. Học sinh vừa học văn hóa, vừa tham gia học nghề theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Năm học 2024-2025, Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 được giao chỉ tiêu tuyển sinh 220 học viên, tăng hơn so với năm học trước một lớp. Như vậy, trung tâm duy trì 13 lớp duy trì như năm học trước. Ngoài cơ sở vật chất hiện có, hiện nay UBND thành phố Đà Nẵng đã đầu tư thêm giai đoạn 2 tại Trung tâm nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất phục vụ cho năm học.
Thầy Trịnh Xuân Vịnh cho biết, Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ đáp ứng cho yêu cầu giảng dạy các lớp văn hóa, giáo dục thường xuyên: “Hiện nay, đội ngũ cán bộ giáo viên của Trung tâm là 48 người. Trong đó, cán bộ giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp của Hệ Giáo dục thường xuyên là gần 30 giáo viên, đáp ứng đầy đủ dạy các môn của chương trình giáo dục phổ thông 2018, phục vụ tốt nhất cho việc tổ chức giảng dạy văn hóa hệ giáo dục phổ thông, đặc biệt là khối lớp 10 khi được tuyển sinh vào trung tâm. Đảm bảo tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và các hoạt động khác tại trung tâm”.
Năm học 2024-2025, tại Đà Nẵng, có 10 trường THPT ngoài công lập đủ điều kiện tuyển sinh lớp 10 với 3.326 chỉ tiêu, 90 lớp, tăng 376 chỉ tiêu so với năm ngoái. Đồng thời, 3 Trung tâm Giáo dục thường xuyên xét tuyển 18 lớp với 800 chỉ tiêu. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã ban hành công văn hướng dẫn, chỉ đạo các trường THCS thông tin đến học sinh và cha mẹ học sinh về vấn đề xét tốt nghiệp THCS và các nội dung liên quan đến tuyển sinh lớp 10. Lãnh đạo Sở yêu cầu các trường duy trì dạy học, ôn tập; lưu ý rèn luyện kỹ năng làm bài, làm quen với các dạng bài, các đề thi năm trước; hỗ trợ, động viên giúp học sinh chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi sắp đến.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết thêm: “Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các trường dạy đủ, dạy đúng chương trình. Đối với học sinh lớp 9, các trường đều có kế hoạch riêng để các em được phụ đạo thêm. Năm nay có tăng một số chỉ tiêu so với năm học 2023-2024. Mấy năm trước, quy định không quá 40 học sinh trên một lớp, năm nay chúng tôi quy định không quá 44 học sinh trên một lớp. Như vậy, tăng sĩ số học sinh trên mỗi lớp nên có tăng theo một số học sinh ở năm học này”.