Tuyển sinh vượt chỉ tiêu: Nâng mức xử phạt là chưa đủ
Trước tình trạng khó kiểm soát các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến nâng mức quy định số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% thay vì 3% như hiện nay.
Hàng loạt trường đại học tuyển sinh sai
Thanh tra Bộ GDĐT vừa ban hành Kết luận thanh tra số 34 về hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (ĐH) đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam (trụ sở chính tại Hà Nội, cơ sở tại TP Thủ Đức, TPHCM). Theo kết luận thanh tra, việc tuyển sinh trình độ ĐH, thạc sĩ đối với hoạt động tuyển sinh trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ đều có những vi phạm, sai sót.
Cụ thể, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức và quản lý đào tạo trình độ ĐH không đúng quy định. Trong năm 2022, Học viện tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ ĐH theo hình thức liên thông chính quy từ trung cấp, cao đẳng lên ĐH ngành Công tác xã hội là 50 chỉ tiêu, trong khi chỉ tiêu theo quy định là 26, tỉ lệ vượt 92,3%; liên thông hình thức vừa học vừa làm ngành Luật là 63 chỉ tiêu, tỉ lệ vượt 472,7%; ngành Công tác xã hội 50 chỉ tiêu, tỉ lệ vượt 525%).
Năm 2023, liên thông chính quy ngành Luật, ngành Công tác xã hội vượt 17,6% và 13,5%. Với hình thức liên thông vừa học vừa làm ngành Luật tuyển sinh vượt tới 445,5%; ngành Công tác xã hội vượt 66,7%.
Thanh tra Bộ GDĐT đã ban hành công văn yêu cầu Học viện Phụ nữ Việt Nam dừng tuyển sinh, đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH tại cơ sở TPHCM, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam về các hành vi nêu trên, xử phạt 150 triệu đồng.
Tương tự, kết quả thanh tra ở kỳ tuyển sinh năm 2021 và năm 2022 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, nhiều ngành, nhóm ngành tuyển vượt chỉ tiêu 5,4 -18%. Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng bị phát hiện tuyển sinh trình độ ĐH năm 2021 khối ngành III vượt 26,1%; khối ngành V vượt 11,1%; khối ngành VII vượt 11,4% so với chỉ tiêu công bố. Trường tổ chức tuyển sinh trình độ ĐH năm 2022 lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý tuyển vượt 13,5%; lĩnh vực Toán và Thống kê tuyển vượt 23,3%; lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin tuyển vượt 22,5%; lĩnh vực Công nghệ kỹ thuật tuyển vượt 18,8% chỉ tiêu đã công bố.
Trước đó, hồi cuối tháng 1, Thanh tra Bộ GDĐT cũng công bố kết luận hàng loạt sai phạm của Trường ĐH Trưng Vương (tỉnh Vĩnh Phúc), giai đoạn 2020 - 2022. Theo đó, trong giai đoạn này, trường này tuyển vượt chỉ tiêu cao gấp hàng trăm lần so với quy định. Năm 2020, khối ngành Kinh doanh và Quản lý, Pháp luật, hệ vừa làm vừa học tuyển gần 750 sinh viên, vượt 647%. Năm 2022, lĩnh vực sức khỏe (hệ vừa làm vừa học) tuyển hơn 500 sinh viên, vượt 737%.
Nâng mức quy định vượt chỉ tiêu
Theo dự thảo thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục ĐH và cao đẳng ngành giáo dục mầm non, cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố. Theo quy định hiện hành, sẽ phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ ĐH vượt từ 3% trở lên vốn gây ra khó khăn cho các trường trong xét tuyển và thu hút thí sinh chất lượng. Khi nâng lên mức 20%, sẽ giúp các trường có thể chủ động hơn trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, việc xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của từng nhóm ngành buộc các trường phải đảm bảo tốt nhất việc bố trí đội ngũ giảng viên có chuyên môn phù hợp, gắn sát hơn với ngành đào tạo. Từ đây, các trường có thể linh hoạt trong xác định chỉ tiêu, từ đó chọn được thí sinh có điểm cao hơn và thực sự mong muốn theo học tại trường.
Lý giải điều này, đại diện Bộ GDĐT cho biết, hiện nay tuy quy trình lọc ảo tốt nhưng số thí sinh không nhập học sau khi được gọi vẫn khá cao. Để tuyển đúng, phải tính đến số ảo, và thực tế rất khó để có cách tính đúng 3% trong khi tỉ lệ ảo khá lớn. Vì vậy, việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% là rất phù hợp và cũng giúp các trường tháo gỡ những khó khăn trong việc xác định được chính xác tỉ lệ gọi nhập học hàng năm.
Mặc dù đây được coi là điểm mới giúp các trường “dễ thở” hơn trong việc tuyển sinh nhưng không vì thế mà buông lỏng chất lượng đào tạo khi đi cùng với đó là nhiều quy định góp phần đảm bảo chất lượng. Bởi việc tuyển vượt chỉ tiêu quá nhiều sẽ khiến các trường khó đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên không đáp ứng nhu cầu.
Vì vậy, bên cạnh các quy định mới nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh hàng năm theo dự thảo, cần chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các cơ sở đào tạo vi phạm. Trong đó, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và xử lý kỷ luật người đứng đầu để làm gương.